Tuesday, December 17, 2013

Tổng kết 20 năm Văn học miền Bắc



Nhìn lại 20 năm Văn Học miền Bắc từ 1954 cho đến 1975, người ta thấy có những đặc điểm nổi trội sau đây:

1) Cuộc cách mạng dân chủ của các nhà văn, triết gia, giáo sư , sinh viên năm 1956:

Sau khi tiếp thu phân nửa đất nước Việt Nam, trên miền Bắc, Đảng và nhà nước còn đang sửa sai về chánh sách ruộng đất, tổ chức hành chánh từ địa phương cho đến trung ương, chưa quan tâm đúng mức về vấn đề truyền thông đại chúng, cho nên vẫn còn những tờ báo, những nhà in, những cơ sở phát hành của tư nhân và dĩ nhiên có một số văn nghệ sĩ có hoạt động cách mạng nhưng không phải là Đảng viên, họ vẫn sáng tác theo cảm hứng và đường lối riêng của họ.

Từ việc phê bình tập thơ Việt Bắc của nhà thơ, nhà cách mạng Tố Hữu của Trần Dần, Tử Phác, Hoàng Cầm … Dự thảo đề nghị cho một chính sách văn hóa dẫn đến việc xuất bản Giai Phẩm mùa xuân vào tháng Giêng năm 1956, tháng 2 tạp chí này bị tịch thu.

Tình hình bên Trung Quốc vào thời điểm này cũng chẳng ổn định chút nào. Vào tháng 5-1956, trưởng ban Tuyên Huấn Trung Ương Ðảng Cộng Sản Trung Quốc là Lục Ðịnh Nhất đã phát động chiến dịch “Bách hoa tề phóng, bách gia tranh minh” (Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng), nhờ thế nên tạp chí Nhân Văn ra đời, nối tiếp Giai Phẩm.

Ngày 20-9-1956, Nhân văn số 1 ra đời, tiếp theo là Giai phẩm tái bản, các tạp chí Trăm Hoa bộ mới, Sáng Tạo, Đất Mới, Tự Do Diễn Đàn do các nhà văn khởi xướng, được các trí thức hàng đầu Việt Nam như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường …, các sinh viên như Bùi Quang Đoài, Hà Thúc Chỉ … tiếp tay phê bình lãnh đạo, đòi hỏi được tự do sáng tác, đó là cuộc cách mạng ở đất Bắc trên phạm vi văn học, tư tưởng. Thường nhắc đến sự kiện này, người ta gọi là vụ án Nhân Văn Giai Phẩm, hay là tư trào Nhân Văn – Giai Phẩm.

2) Có tác động do sự kiện trên thế giới và Việt Nam trong năm 1956

Trong khi đó có nhiều biến cố đã xảy ra trên thế giới, nhất là ở các nước Cộng sản Đông Âu. Biến cố đáng kể nhất là sau khi Joseph Stalin (1879-1953) mất ngày 5-3-1953, để cũng cố uy tín cho Đảng Cộng sản Liên Xô, sau khi lên cầm quyền Nikita Sergeyevich Khrushchev (1894-1971)  vạch trần những tội ác của Staline trong đại hội Ðảng lần thứ 20 của Ðảng Cộng Sản Liên Xô vào tháng 2 năm 1956, sau gần 40 năm xây dựng chủ nghĩa Cộng Sản tại nước này. 

Cuối tháng 6 năm 1956, tại Ba Lan đã bùng nổ cuộc đình công của công nhân. Lực lượng an ninh đã thẳng tay đàn áp cuộc đấu tranh của công nhân, khiến 53 người thiệt mạng Bên cạnh một số yêu cầu về kinh tế là sự xuất hiện của những yêu sách mang màu sắc chính trị như, rút các lực lượng quân đội Xô viết, thậm chí từ bỏ cả việc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Ngay lập tức, cuộc đấu tranh lan rộng ra khắp đất nước Ba Lan, thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận xã hội. Điều đáng nói là, trong nội bộ Đảng Cộng sản Ba Lan xuất hiện một khuynh hướng cải cách, chính lực lượng này đã thành công trong việc đưa trở lại ban lãnh đạo đảng một số nhà lãnh đạo chủ chốt từng bị loại ra khỏi bộ máy vào đầu thập niên 50 của thế kỷ XX do bị buộc tội theo chủ nghĩa Titô (Wladislaw Gomulka, Spychalski, Kliszko).

Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 10 năm 1956, tại Đại hội VIII của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Ba Lan, Wladyslaw Gomulka đã được bầu làm Bí thư thứ Nhất Ban chấp hành Trung ương. Đại hội diễn ra trong bầu không khí căng thẳng. Đoàn đại biểu Liên Xô do Khrushchev dẫn đầu đã sang Ba Lan nhằm kiểm soát tình hình, trong khi đó các đơn vị quân đội Liên Xô chuyển quân theo hướng tiến về thủ đô Warszawa.
Trước diễn biến của đời sống chính trị Ba Lan, Khrushchev không hề có ý định để cho mọi việc thoát ra khỏi tầm kiểm soát của Liên Xô. Với sự hộ tống của Molotov, Mikoian và Kaganovic, Khrushchev đã đến Warszawa ngày 19 tháng 10 năm 1956, quyết định sử dụng các biện pháp mạnh. Tuy nhiên, khi đến Ba Lan, người đứng đầu Liên Xô tạm thời phải chấp nhận việc đã rồi, công nhận Wladislaw Gomulka làm Bí thư thứ Nhất của Đảng Cộng sản Ba Lan. Còn về phía lực lượng cải cách Ba Lan, những mục tiêu cơ bản mà họ đề ra cũng không đạt được, sự tự do tranh luận về tư tưởng trên các tờ báo cũng chấm dứt một thời gian ngắn sau đó. Sự thành công ít ỏi của Ba Lan có thể kể đến chính là sự độc lập lớn hơn về kinh tế. Có ý kiến cho rằng, không có bên nào giành được thắng lợi qua những gì diễn ra ở Ba Lan vào tháng Mười năm 1956. Việc Wladislaw Gomulka duy trì sự kiểm soát tình hình bằng mọi giá đã giúp cho ông và những người đồng chí của ông thành công trong việc ngăn chặn một cuộc can thiệp quân sự của Liên Xô, điều đã xảy ra ở Hunggari một thời gian ngắn sau đó.

Tại Hungary, cuộc nổi dậy bắt đầu là cuộc biểu tình của sinh viên thu hút hàng nghìn người tham gia khi nó kéo qua trung tâm Budapest tới toà nhà Nghị viện. Một phái đoàn sinh viên vào trong đài phát thanh trong nỗ lực nhằm phát đi những yêu cầu của mình và đã bị cầm giữ. Khi đám đông bên ngoài yêu cầu phóng thích phái đoàn, họ bị lực lượng Cảnh sát an ninh nhà nước bắn từ trong toà nhà. Tin tức truyền đi nhanh chóng dẫn đến tình trạng bất tuân và bạo lực bùng phát trên khắp thủ đô.

Cuộc nổi dậy nhanh chóng lan ra khắp Hungary, và chính phủ sụp đổ. Hàng nghìn người tự tổ chức thành các nhóm dân quân, chiến đấu với Cảnh sát an ninh nhà nước và binh lính Liên Xô. Những người cộng sản ủng hộ Liên Xô và các thành viên Cảnh sát an ninh nhà nước thường bị hành quyết hay bỏ tù, trong khi những cựu tù nhân được thả ra và được trang bị vũ khí. Những hội đồng lâm thời giành lấy quyền kiểm soát từ Đảng Công nhân Xã hội Chủ nghĩa Hungary cầm quyền và yêu cầu thay đổi chính trị. Chính phủ mới chính thức giải tán Cảnh sát an ninh nhà nước, tuyên bố ý định rút lui khỏi Khối hiệp ước Warsaw, và cam kết tái lập bầu cử tự do. Tới cuối tháng 10, giao tranh hầu như chấm dứt và cảm giác an bình đã bắt đầu ló dạng.

Sau khi thông báo ý muốn đàm phán việc rút quân đội Liên Xô, Bộ chính trị Liên Xô thay đổi ý định và chuyển sang trấn áp cuộc nổi dậy. Ngày 4 tháng 11, một lực lượng Liên Xô lớn xâm chiếm Budapest và các vùng đất Hungary khác. Những người Hungary tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Liên Xô và các quốc gia khối Warszawa cho tới ngày 10 tháng 11. Hơn 2.500 người Hungary và 700 binh lính Liên Xô thiệt mạng trong cuộc xung đột, 200,000 người Hungary bỏ chạy trở thành người tị nạn. Những cuộc bắt giữ và tố giác ở quy mô lớn diễn ra trong nhiều tháng sau đó. Tới tháng 1 năm 1957, chính phủ mới do Liên Xô lập ra đã dập tắt cuộc nổi dậy, cuộc nổi dậy Hungary kết thúc. Cựu Thủ tướng Nagy Imre bị bắt giữ và đem về Liên bang Xô viết. Ngày 17 tháng 6 năm 1958, ông cùng những người nổi dậy bị Tóa án Tối cao Hungary tuyên bố hành quyết.

Tại Ai Cập khủng hoảng kênh đào Suez đã nổ ra vào tháng 7 năm 1956 khi Nasser bị Mỹ và Anh từ chối trợ giúp kinh tế, ông đã trả đũa bằng việc quốc hữu hóa Công ty Kênh đào Suez. Nasser đã chiếm giữ công ty do Anh và Pháp sở hữu để chứng tỏ sự độc lập đối với các cường quốc thực dân châu Âu, trả thù việc Mỹ-Anh từ chối viện trợ kinh tế và tịch thu lợi nhuận mà công ty này kiếm được ở Ai Cập. Hành động này đã gây ra một cuộc khủng hoảng kéo dài bốn tháng trong đó Anh và Pháp dần dần tập trung lực lượng quân sự trong khu vực và cảnh báo Nasser họ đã sẵn sàng sử dụng vũ lực để thu hồi quyền sở hữu đối với công ty kênh đào trừ phi ông ta bớt độc đoán. Các quan chức Anh, Pháp ngầm hy vọng rằng, dù có hay không hành động quân sự từ phía họ, thì cuối cùng áp lực cũng sẽ buộc Nasser phải từ bỏ quyền lực.

Chiến tranh đã nổ ra ngày 29-10-1956 khi Israel tấn công trực diện với các lực lượng của Ai Cập ở Sinai. Chỉ trong vài ngày lực lượng Israel đã tiến gần đến Kênh đào Suez.

Anh và Pháp đã cho lính dù đổ bộ xuống Kênh đào Suez ngày 5-11-1956

Việc đổ bộ của quân Anh và Pháp đã đẩy cuộc khủng hoảng vào giai đoạn nguy hiểm nhất. Liên Xô, trong âm mưu nhằm hướng dư luận khỏi sự đàn áp dã man của nước này đối với phong trào cách mạng ở Hungary, đe dọa sẽ can thiệp vào chiến sự và thậm chí có thể trả đũa bằng việc tấn công Luân Đôn và Paris bằng vũ khí nguyên tử. Nguồn tin tình báo cho biết quân Liên Xô tập trung ở Si-ri chuẩn bị can thiệp vào Ai Cập đã cảnh báo các quan chức Mỹ, những người nhận thấy rằng tình hình bạo động ở Hungary khiến cho các nhà lãnh đạo Liên Xô dễ có hành động bất ngờ.

Trước nguy cơ xung đột toàn cầu bất ngờ, Tổng Thống Mỹ Eisenhower nhanh chóng hành động để cứu vãn xung đột đó. Ông đã gây áp lực chính trị và tài chính lên các bên tham chiến, buộc họ phải chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn của Liên Hợp Quốc ngày 6-11-1956, có hiệu lực ngay ngày hôm sau, và ủng hộ nỗ lực của các quan chức Liên Hợp Quốc khẩn trương triển khai Lực Lượng Khẩn cấp tới Ai Cập. Căng thẳng giảm bớt dần. Các lực lượng của Anh và Pháp rời khỏi Ai Cập vào tháng 12 và sau các cuộc đàm phán phức tạp, các lực lượng Israel rút khỏi Sinai tháng 3 năm 1957.

Theo tài liệu của JB Nguyễn Văn Định sưu tập, đăng trên trang Mạng Nữ Vương Công Lý về cuộc nổi dậy của đồng bào Quỳnh Lưu Nghệ An như sau:

Tại Việt Nam lãnh đạo Cộng Sản đã bắt đầu cuộc cải tạo nông nghiệp tại miền Bắc khi thực dân Pháp vẫn còn xâm chiếm nước ta. Hồ Chí Minh đã ký 2 sắc luật Giảm Tô tức giảm số thóc gạo mà nông dân phải trả cho người chủ đất số 78/SL ngày 14-7-1949, và Sắc Luật 42/SL ngày 1-7-1951 về chính sách nông nghiệp của chính quyền kháng chiến, nằm trong toàn bộ chính sách thuế khóa, gồm cả thuế công thương nghiệp, sát sinh, lâm thổ sản, xuất nhập cảng… Chính sách thuế nông nghiệp đã khởi đầu cho các chiến dịch phân mảnh định hạng các loại ruộng, bình sản lượng, bình diện tích mỗi mảnh đất để làm căn bản tính thuế, sau đó tiến hành chiến dịch chống phản động, đấu tranh giảm tô kéo dài đến năm 1954, và chỉ tạm ngưng khi chiến trường Ðiện Biên Phủ bắt đầu nghiêm trọng và sau đó đưa đến Hiệp Ðịnh Geneve ký vào tháng 7 năm 1954.
Kế đến, lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam lại tạm ngưng chiến dịch cải cách ruộng đất tới cuối năm 1956, vì (1) Cộng Sản Việt Nam bận lo đón tiếp hơn 50,000 bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, (2) Phải đối phó với phong trào di cư và cuộc biểu tình đòi di cư của người dân vùng Ba Làng (Thanh Hóa), (3) Phải che dấu phần nào thủ đoạn tàn bạo để trấn an lòng dân, che mắt các quan sát viên quốc tế của Ủy Ban Kiểm Soát Ðình Chiến và ổn định tình hình nội bộ. 

Giai đoạn thứ hai của cải cách ruộng đất bắt đầu từ cuối năm 1955, lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tiếp tục phát động phong trào quần chúng qua nhiều đợt đấu tranh cải cách ruộng đất.

Trong giai đoạn này, hình thức đấu tranh cải cách ruộng đất cũng giống như đấu tranh giảm tô, nhưng khác ở mức độ tàn bào cao hơn gấp bội và số nạn nhân cũng gia tăng do sự càn đi, quét lại và kích tỷ lệ. Ở một số nơi, như các vùng vừa tiếp thu và đồng bằng bên bờ sông Nhị Hà chẳng hạn, Cộng Sản Việt Nam tiến hành song song 2 chiến dịch đấu tranh giảm tô và cải cách ruộng đất một lượt. Ðiều cần nhấn mạnh là Cộng Sản Việt Nam đã bắt chước y hệt chính sách cải cách ruộng đất ở Trung Quốc, nên đã cho các cán bộ học tập kinh nghiệm nguyên văn cuộc cải cách ruộng đất đẫm máu ở Hồ Nam, quê hương của Mao Trạch Ðông.
Ở Trung Quốc, ngoài ruộng đồng bao la bát ngát, một địa chủ điển hình còn có lâu đài, dinh cơ và quân lính riêng để bảo vệ sản nghiệp, cũng như để đàn áp và bóc lột nông dân. Trong khi ở miền Bắc VN, cái mà Cộng Sản Việt Nam gọi là địa chủ đại gian đại ác thường chỉ có mấy mẫu ruộng, nhưng thuộc thành phần có uy tín ở nông thôn (thường giúp đỡ người nghèo) và có thể trở thành đối tượng chống đối đảng và nhà nước.
Trung ương đảng Cộng Sản Việt Nam đã trao cuộc đấu tranh cải cách ruộng đất cho Trường Chinh lãnh đạo và Hồ Viết Thắng, Ủy viên Trung ương đảng phụ trách điều hành. Dưới trung ương có các đoàn cải cách ruộng đất cho mỗi tỉnh và dưới cấp đoàn có các đội cải cách ruộng đất cho từng xã. Các đoàn và đội đều nhận lệnh trực tiếp từ trung ương mà không cần qua Ủy ban hành chánh địa phương. Thành phần trong các đoàn, đội đều được tuyển lựa là thành phần cốt cán, bần cố nông, là đảng viên trung kiên đã chiến đấu trong quân đội.

Càng về sau, chính sách cải cách ruộng đất càng khốc liệt bởi phần đông đội viên toàn là những người trẻ tuổi, cuồng tín, được bồi dưỡng tư tưởng đấu tranh giai cấp, căm thù thật sự. Vì thế, trong năm 1956, riêng đợt cải cách ruộng đất Ðiện Biên Phủ đã đưa số nạn nhân bị tàn sát lên đến 10.000 người.

Ðội cải cách ruộng đất đã trở thành công cụ giết người ghê rợn của chế độ. Sự tàn sát lên cao vì chính sách kích tỷ lệ (nâng tỷ lệ) của Cộng Sản Việt Nam. Thí dụ: cứ mỗi xã có 100 gia đình thì dù đủ hay không, có hay không có, đội cải cách ruộng đất của xã đó phải tìm cho ra ít nhất là 5 gia đình địa chủ (tỷ lệ 5%), nếu hơn thì càng tốt. Trong 5 gia đình này phải quy cho được 2 gia đình là cường hào ác bá để xử tử. Nếu đội không làm đủ tiêu chuẩn sẽ bị phê bình là thiếu ý thức đấu tranh giai cấp, công tác kém cỏi. Nghe một đoạn thơ tuyên truyền của thi nô Tố Hữu, ta sẽ thấy sự dã man ra sao:

Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Ðảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt.

Mục tiêu cuộc cải cách ruộng đất còn là cơ hội để đảng Cộng Sản Việt Nam mở cuộc thanh trừng quy mô những đảng viên trong nội bộ hoặc trong hàng ngũ kháng chiến cần bị đào thải vì không thuộc thành phần vô sản, những người có thể trở thành nguy hiểm cho đảng vì đã trau dồi những kinh nghiệm đấu tranh, đã có khả năng lãnh đạo, có uy tín, nắm vững tình hình đảng, quy tụ được thế lực mạnh, và có thể phản đảng.

Chính Cộng Sản Việt Nam đã thú nhận khi có chính sách sửa sai, trong cuộc thanh trừng này có đến 23.000 đảng viên trung kiên bị chết oan, còn hàng ngàn đảng viên không trung kiên bị chết một cách đích đáng thì chưa thấy tài liệu nào của đảng công bố cả. Rất nhiều cán bộ cao cấp có công với kháng chiến cũng bị kết tội cường hào ác bá, hoặc tham gia trong các tổ chức phản động như VN Quốc Dân Ðảng chẳng hạn. Theo hồi chánh viên Nguyễn Văn Thân, kỹ sư thuộc Bộ Thủy Lợi miền Bắc, trước kia đã từng tham gia nhiều vụ cải cách ruộng đất, cho biết một cuộc đấu tố chụp mũ như sau: 

…Cuộc đấu tố điển hình nhất mà tôi được dự là lần đấu tố ông Nguyễn Văn Ðô, Bí thư huyện ủy tại Ô Cầu Giấy, ngoại thành Hà Nộị… Nạn nhân Nguyễn Văn Ðô là Bí thư huyện ủy, rất có công với kháng chiến nhưng lại bị kết tội là cường hào ác bá và có chân trong tổ chức Quốc Dân Ðảng. Chủ tịch đoàn nói rằng ông lợi dụng chức vụ của Ðảng để hoạt dộng cho Quốc Dân Ðảng. Người đứng kể tội là một nông dân trước kia đi chăn ngựa cho ông Ðô một cụ già khác lên tố về việc cướp đất ruộng nương và cô con cái của ông lên đấu tố là đã bị ông cưỡng hiếp tất cả 177 lần. Ðến khi ông Ðô được phép lên phát biểu ý kiến nhận tội, ông đã cứng cỏi trả lời: “Ông không phải là Quốc Dân Ðảng, ông chỉ làm việc cho Bác, cho kháng chiến mà thôi”. Ông trả lời cô con gái là: “Thưa bà, bà còn quên đấy, tôi đã hiếp cả mẹ bà để đẻ ra bà nữa” Câu trả lời này làm mọi người phải bật cười và làm đấu trường mất vẻ tôn nghiêm. Chủ tịch đoàn vội vàng hô khẩu hiệu “Ðả đảo tên Ðô ngoan cố” để đàn áp và che lấp tiếng nói của ông. Sau đó họ không cho ông nói tiếp. Họ nghị án và quyết định xử tử ông ngay tại chỗ. Cuộc đấu tố này kéo dài từ 5g sáng tới 13g trưa mới xong.

Rất nhiều người thuộc thành phần trung nông (trung nông cấp thấp: vài sào (acre) đất, trung nông cấp cao: 1-3 sào và một con trâu), tiểu thương cũng bị kích lên thành địa chủ (địa chủ thường: 3-5 sào hay có khi hơn một chút, không giàu, cho mướn ruộng lấy địa tô, không có tội với nhân dân; địa chủ cường hào ác bá: 3-5 sào, có tội với nhân dân; địa chủ phản động: đảng viên VN Quốc Dân Ðảng, Ðại Việt, v.v…).

Với dân số miền Bắc vào năm 1956 là khoảng 20 triệu người, có khoảng 4 triệu gia đình nông dân. Nếu chỉ có 2% gia đình nông dân bị liệt vào giai cấp cường hào địa chủ, thì số người bị giết ít nhất là 80,000 người. Chưa kể số người chết tăng lên qua chính sách kích tỷ lệ theo đúng chỉ tiêu do đảng CSVN đề ra. Sự oán hận của người dân ngày càng dâng cao ở khắp nơi.

Nhiều vụ phục kích giết cán bộ đấu tố và những vụ chém giết giữa bần cố nông và thân nhân của người bị đấu tố đã xảy ra thường xuyên. Ngay lúc đó, nhiều biến cố chính trị đã xảy ra tại các nước CS, như Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Liên Xô yêu cầu Hồ Chí Minh thực hiện việc xét lại Hồ Chí Minh chuẩn bị kế hoạch ngừng chiến dịch đấu tố vào tháng 3 năm 1956, nhưng chính thức ra lịnh đình chỉ mọi vụ hành quyết địa chủ vào tháng 10 năm 1956.

Trong Hội nghị thứ 10 Trung ương đảng, Võ Nguyên Giáp đã thay mặt đảng đọc một bản thú nhận sai lầm trong cuộc cải cách ruộng đất. Hồ Chí Minh khóc lóc và đổ cho cấp dưới thi hành chính sách quá đà, cách chức Thứ trưởng phụ trách cải cách ruộng đất của Hồ Viết Thắng để xoa dịu lòng dân. Ðảng CSVN cũng thả 12.000 đảng viên còn sống sót trong tù vì bị kết tội địa chủ, trong số này nhiều người bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành. Tuy nhiên oán thù của người dân không vì thế mà nguôi ngoai. Nhiều vụ nổi dậy, bạo động lớn nhỏ đã xảy ra sau đó, như Quỳnh Lưu (Nghệ An), Hải Phòng, Lạng Sơn… Trong thời gian này cũng có những vụ bạo động khác như những vụ thanh niên và công nhân Nam Bộ tập kết đập phá bót cảnh sát ở bờ hồ Hà Nội (cạnh ga tàu điện, đầu phố Cầu Gỗ). 

Sau cái gọi là Nghị quyết sửa sai của đảng Cộng Sản Việt Nam về những đợt cải cách ruộng đất đẫm máu, các nạn nhân đã tìm những cán bộ thanh toán món nợ truyền kiếp. Các đảng viên Cộng Sản trung kiên được thả về từ nhà tù, được khôi phục quyền hành, khôi phục đảng tịch, liền tìm ngay các đồng chí đã tố sai để trả thù. Do đó, tình trạng xung đột, giết chóc giữa đảng viên cũ và đảng viên mới lan rộng khắp mọi nơi. Uy tín của đảng bị sụp đổ, cán bộ hoang mang, lo sợ tột độ. Ở nông thôn, các đảng viên đi họp phải mang búa theo để thảo luận với nhau.

Những địa chủ được tha về, thấy tình trạng làng xóm bất ổn như vậy, vội vàng chạy ra thành phố ở nhờ các gia đình tiểu tư sản hồi kháng chiến đã trú ngụ ở nhà mình. Các bần cố nông trót nghe lời đảng tố điêu nay bị sợ rạch mồm, cắt lưỡi, cũng vội vàng chạy ra thành phố để đạp xích lô và đi ở thuệá Vì vậy, số dân ở Hà Nội, Nam Ðịnh đột nhiên tăng lên gấp bội và không khí căm thù ở nông thôn lan ra thành phố, ảnh hưởng đến giới công nhân, tiểu tư sản, sinh viên và trí thức, dùng báo chí lên tiếng chống đảng, thì cuộc nổi dậy Quỳnh Lưu đã làm đảng Cộng Sản Việt Nam rất lo sợ. Toàn thể nhân dân tỉnh Nghệ An, gồm đủ mọi thành phần giai cấp ở các xã Quang Trung, Tân Nho, Diễn Tân, Vạn Kim, Diễn Ðức, Diễn Ðông, Diễn Nguyên, Minh Châu, Ðức Vinh, Hồng Thăng, Ðại Gia, Yên Trung đã mở một đại hội để tố cáo những chính sách cai trị tàn ác của chế độ. Ban tổ chức đại hội còn mời luôn cả cán bộ Việt Cộng thuộc cấp tỉnh và huyện đến tham dự để chứng minh tinh thần đấu tranh cho tự do của nhân dân.

Sau nhiều giờ thảo luận, đại hội đã đồng thanh lập bản kiến nghị nguyên văn như sau:

- Yêu cầu trả lại cho chúng tôi những vị linh mục chánh sở và tất cả những vị giáo sĩ bị bắt bớ giam cầm.
- Yêu cầu trả lại cho chúng tôi xác các vị linh mục đã bị hành quyết và của những vị đã bị thủ tiêụ
- Yêu cầu trả lại những tài sản của địa phận, của thánh đường, của Ðức Mẹ đã bị chính quyền tịch thu hoăc xung công.
- Yêu cầu đền bồi thanh danh của các giáo sĩ đã bị nhục mạ và danh dự của các giáo hữu đã bị vu khống.


Cán bộ Việt Cộng rất căm tức những lời kết án của dân chúng, lúc đầu họ nhất định không ký tên, nhưng với áp lực của hàng ngàn người, họ bắt buộc phải ký vào quyết nghị. Ban tổ chức đã gởi bản quyết nghị này đến 4 nơi: Tòa thánh La Mã (qua trung gian của Ðức Khâm sứ Dooley), Ủy Ban Kiểm Soát Ðình Chiến, Hồ Chí Minh và gởi đến chính quyền quốc gia miền Nam. Phía Cộng Sản Việt Nam đã tìm đủ mọi cách ngăn chặn bản quyết nghị đến tay Ủy Ban Kiểm Soát Ðình Chiến.

Dân chúng đã dùng ngay chính sách sửa sai của Cộng Sản Việt Nam để đòi lại chồng con đã bị giết, tài sản đã bị cưỡng đoạt và đòi được di chuyển tự do vào Nam như đã cam kết trong Hiệp định Geneva.

Giữa lúc đó, được tin chiều ngày 9-11-1956, Ủy Ban Kiểm Soát Ðình Chiến sẽ đi qua Cầu Giát để lên Hà Nội, hàng ngàn người đã kéo ra đường số một chờ đợịá Ðồng bào đã góp đơn lại giao cho 6 thanh niên đại diện đưa thựá Mấy ngàn đồng bào đã nằm ngay trên đường để chận xe lại 6 thanh niên đã đưa cho viên sĩ quan Ấn Ðộ trong Ủy Ban mấy vạn lá thư đựng trong bao bố. Viên sĩ quan này cho biết sẽ trình lại cấp trên và trả lời vào ngày thứ Bảy trong tuần.

Sau đó, ngày 10-11-1956, khoảng 10,000 nông dân đã mở đại hội lần thứ hai tại xã Cẩm Trường để bàn thảo về ngày thứ Bảỵ Mọi người đều tỏ ra hân hoan khi biết sắp sửa từ bỏ địa ngục trần gian. Nhưng ngay lúc đó, Cộng sản Việt Nam đã điều động 2 đại đội chủ lực và một đại đội công an võ trang huyện Diên Châu về xã Cẩm Trường để giải tán đại hội nông dân. Bạo động đã xảy ra Tiếng súng và lựu đạn nổ vang trời. Mặc dù tay không nhưng khí thế quần chúng quá mạnh, những người phía sau đã tràn lên thay cho những người gục ngã phía trước.

Cuối cùng, dân chúng đã bao vây đồn bộ đội, công an vào giữạ Ðêm hôm dó, Cộng sản đưa thêm 2 trung đoàn về bao vây 10.000 nông dân tại xã Cẩm Trường. Dưới cơn mưa phùn lất phất cuối đông, cảnh tượng bi hùng đã diễn ra ở một trận địa giữa 10.000 nông dân và 2 vòng trong ngoài đầy những công an và bộ đội.
Tờ mờ sáng này 11-11-56, các bà mẹ đã đánh trống, mõ kêu gọi dân chúng quanh vùng đến tiếp cứu Xã Diễn Châu như bị động đất. Rồi 30.000 nông dân kéo đến vây phía ngoài 2 trung đoàn chính quy của Cộng sản, trở thành một vòng bao vây thứ tự Cuộc nổi dậy bộc phát quá lớn, quá mau, đã đi ra ngoài sự tiên liệu của cả 2 bên. Hồ Chí Minh rất căm hận biến cố này vì Nghê An là quê quán của ông ta, nhưng Hồ Chí Minh chưa biêt cách giải quyết thế nào để gỡ thể diện cho mình và đảng. Cộng sản cũng tìm cách lien lạc với Giám mục Trần Hữu Ðức nhờ ông giải quyết, nhưng ông đã trả lời: Tôi không biết về vấn đề chính trị, vì tôi là một nhà tu hành. Lúc bấy giờ, phía dân chúng đã có một số lượng vũ khí đáng kể, tịch thu được từ bộ đội. Chưa bao giờ một cuộc nổi dậy ở miền Bắc lại có đủ tất cả thành phần dân chúng, kể cả các đảng viên Cộng sản.
Ðêm 11 rạng ngay 12-11-1956, một số nghĩa quân lén trở về Quỳnh Lưu để tổ chức biểu tình yểm trợ cho dân quân xã Diễn Châụ Ðêm hôm đó, 3000 thanh niên các xã Do Xuyên, Ba Làng và Nông Cống tỉnh Thanh Hóa đã kéo vào yểm trợ nghĩa quân. 4g sáng cùng ngày, một Ủy Ban Biểu Dương Lực Lượng Nông Dân Quỳnh Lưu và Ủy Ban Tiếp Tế Nghĩa Quân được thành lập. Phụ nữ, trẻ em đã mang gạo, thực phẩm đến xã Cẩm Trường, nơi cuộc đấu tranh đã bước vào ngày thứ 3.

Rạng ngày 13-11-1956, một cuộc biểu tình vĩ đại với sự tham gia của gần 100.000 đồng bào tỉnh Nghệ An. Bài hát Quỳnh Lưu Khởi Nghĩa đã được truyền đi khắp nơi, hoà với những đợt trống, mõ vang lên liên tục:

Anh đi giết giặc lập công
Con thơ em gửi mẹ bồng
Ðể theo anh ra tiền tuyến
Tiêu diệt đảng cờ Hồng
Ngày mai giải phóng
Tha hồ ta bế ta bồng con ta

Cuộc biểu tình đã tuần hành tiến về Ty công an Nghệ An, hô thật to những khẩu hiệu: Lương giáo đoàn kết chặt chẽ sau lưng các nghĩa quân, Lương giáo quyết tâm chống Cộng sản khát máu, Tinh thần Quỳnh Lưu bất diệt… Công an tỉnh lẫn trốn từ lâu trước khí thế này. Dân chúng thi nhau nhảy lên nóc Ty công an, xé tan cờ đỏ sao vàng, đạp vỡ ảnh HCM và các lãnh tụ Cộng sản quốc tế.

Trước tình hình này, Hồ Chí Minh ra lệnh cho Văn Tiến Dũng điều động Sư đoàn 304 từ Thanh Hóa, Phủ Quỳ và Ðồng Hới về bao vây nghĩa quân. Sư đoàn này quy tụ nhiều bộ đội miền Nam tập kết mà Hồ Chí Minh muốn xử dụng, thay vì dùng bộ đội sinh quán ở miền Trung hoặc miền Bắc, để có dịp trút tội cho binh đoàn miền Nam nóng tính này.

Trận địa tại xã Cẩm Trường đã lên đến 5 vòng đai giữa dân quân và Cộng sản. Buổi chiều cùng ngày, nghe tin dân quân xã Cẩm Trường bị Sư đoàn 304 vây, gần hàng chục ngàn người đã tiến về xã Cẩm Trường để tiếp cứụá Vòng đai chiến trạn đã tăng lên lớp thứ 6. Buổi tối ngày 13-11-1956, hơn 20,000 nông dân từ Thanh Hóa lại kéo vào tiếp viện, mang theo đầy đủ lương thực tính kế trường kỳ đấu tranh.

Ngày 14-11-1956, Văn Tiến Dũng huy động thêm Sư đoàn 312 vào trận địa quyết tiêu diệt nhân dân Quỳnh Lưu. Khi vòng đai thứ 7 thành hình, Hồ Chí Minh ra lịnh tiêu diệt cuộc nổi dậy có một không 2 trong lịch sử đấu tranh chống Cộng sản. Trước bạo lực đó, nông dân vẫn cứ quyết tâm tử chiến để bảo vệ căn cứ. Lịnh của ban chỉ đạo nghĩa quan được truyền đi: Chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để giải phóng dân tộc. Nhưng vì vũ khí quá thô sơ, nghĩa quân phải rút vào rừng sâu. Sau khi trận chiến kết thúc, quân đội Cộng sản đã xông vào các làng Thanh Dạ, Song Ngọc, Cẩm Trường bắt tất cả già trẻ lớn bé giải đi. Họ tra khảo từng người để tìm ra ban chỉ đạo đấu tranh nhưng vô hiệu, vì bất cứ ai, kể cả các em thiếu nhi đều tự xưng là người lãnh đạo cuộc cách mạng này.

Không bắt được ai, Cộng sản đành thả bà con ra về, nhưng Hồ Chí Minh tính kế bắt đi Linh mục Hậu và Linh mục Ðôn của 2 xứ Cẩm Trường và Song Ngọc. Dù 2 vị này đã nói: “Chúng tôi là nhà tu hành, chúng tôi không biết gì đến việc nhân dân” Cộng sản bắt 2 vị linh mục phải lên đài phát thanh đổ lỗi cho giáo dân và nông dân, nhưng 2 vị không bằng lòng. Cộng sản đe dọa nếu không tuyên bố như vậy thì sẽ giáng tội cho 2 vị là những người cầm đầu cuộc khởi nghĩa phản động này. Họ mang hình ảnh Linh mục Tấn bị thủ tiêu ở Phủ Quỳ ra dọa nạt. Cuối cùng, 2 vị phải tuyên bố ngược lại sự thật.

3) Thẳng tay đàn áp tư trào Nhân Văn – Giai Phẩm.

Cuối năm 1957, Mao Trạch Đông (1893-1976) phát động chiến dịch “chống phái hữu”. Nhiều nhà văn bị phê phán như Trần Xí Hà, Đặng Thác, nữ văn sĩ Đinh Linh, người được Giải thưởng văn học Stalin, bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc và bị bắt. Cũng trong thời gian ấy, nhân chuyến thăm Liên Xô, Mông Cổ và Bắc Triều Tiên, Hồ Chí Minh ghé Bắc Kinh. Khi ông trở về, đã cử Tố Hữu, Huy Cận và Hà Xuân Trường sang Trung Quốc học tập kinh nghiệm đấu tranh “chống phái hữu”. Tờ Nhân Dân xuất hiện nhiều bài viết “chống phái hữu” ký tên Trần Lực, đó cũng là bút danh của Hồ Chí Minh. Những sự kiện quốc tế kể trên, nhất là ở Trung Quốc và Việt Nam đã có ảnh hưởng quyết định trong việc thanh trừng nhóm người thuộc tư trào Nhân Văn – Giai Phẩm, để tránh những hậu quả to lớn có thể xảy ra. Việc thanh trừng do Tố Hữu trách nhiệm thi hành:

Ngày 6-1-1958, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 30 về việc chấn chỉnh công tác Văn nghệ. Cuối tháng Giêng năm 1958, Lớp học đấu tranh tư tưởng lần thứ Nhất được tổ chức tại ấp Thái Hà với 272 văn nghệ sĩ đảng viên tham dự. Từ 3-3 đến 14-4-1958, cũng tại ấp Thái Hà, diễn ra Lớp học đấu tranh tư tưởng lần Hai với 304 cán bộ văn hoá.

Theo Đại tá Công an, đặc trách A25 Thái Kế Toại cho biết: “Hai lớp học này đã dùng thủ đoạn đấu tố và áp lực tâm lý tập thể, vu cáo, bịa đặt tội lỗi cho những thành viên nhóm Nhân Văn Giai Phẩm. Kết quả là không cần điều tra người ta đã có đầy đủ tội trạng của các nhân vật để quyết định bắt họ, kỷ luật họ”.

Gần cuối ngày họp, 10-4-1958, công an Hà Nội bắt giam Nguyễn Hữu Đang, Thuỵ An và Trần Thiếu Bảo. Ngày 4-6-1958, trước Hội nghị Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật, Tố Hữu, người chủ trì chiến dịch ấp Thái Hà đã “tổng kết cuộc đấu tranh chống Nhân Văn Giai Phẩm”. Bài “tổng kết” của Tố Hữu được ví như một “cáo trạng”, như một “nhát gươm chính thức kết liễu số phận Nhân Văn Giai Phẩm trên công luận với sự hằn học ghê gớm của một tên đao phủ”.

Ngày 4-6-1958, Đại Hội Văn Nghệ III, họp tại Hà Nội, hoàn tất "Trận chiến đấu chống bọn phá hoại Nhân Văn Giai Phẩm" với bài tổng kết của Tố Hữu tuyên bố đã dẹp xong Nhân Văn - Giai Phẩm nghị quyết của 800 văn nghệ sĩ lên án "bọn Nhân Văn - Giai Phẩm và các Hội trong Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam thi hành biện pháp kỷ luật.

Số văn nghệ sỹ, gọi là tham gia Nhân Văn - Giai Phẩm tại Hà Nội do Bộ Công an và Công an Hà Nội quản lý, khoảng 170 người. Số bị xử lý nặng khoảng gần 100 người, còn số bị đưa vào danh sách để phân loại xử lý tính trên toàn miền Bắc ở tất cả các lĩnh vực phải tới hàng ngàn người.

Người nặng thì bị đi tù, nhẹ hơn thì đi cải tạo lao động trong vòng từ ba đến sáu tháng tại các nhà máy, nông trường, hợp tác xã. Một số văn nghệ sỹ phải cư trú lâu dài tại các địa phương như Hoàng Tố Nguyên, Nguyễn Bính, Hải Bằng, Trần Lê Văn, Nguyễn Khắc Dực… 

Ngày 19-1-1960, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã xử “bọn gián điệp phản cách mạng phá hoại hiện hành”, đã kết án phạt tù: Nguyễn Hữu Đang và Thụy An: 15 năm phạt giam và 5 năm mất quyền công dân sau khi ra. Minh Đức: 10 năm phạt giam và 5 năm mất quyền công dân sau khi ra. Phan Tại: 6 năm phạt giam và 3 năm mất quyền công dân sau khi ra. Lê Nguyên Chí: 5 năm phạt giam và 3 năm mất quyền công dân sau khi ra.

Tại một phòng biệt giam của nhà lao Hỏa Lò Hà Nội, Thụy An đã dùng đinh guốc, viết lên tường lời phản kháng:" Chọc mù mắt để không phải nhìn thấy cái chế độ này nữa". Chính nhà văn Đặng Chí Bình đọc được dòng chữ này, trong phòng ông đã bị biệt giam.

Đầu năm 1961, Phùng Cung bị bắt, do: Tiếp tục sáng tác các truyện ngắn có nội dung bất mãn, chống đối, phản động. Lê Đạt gọi thời kỳ “hậu Nhân Văn” là những ngày “khôn ngoan không dám làm người”. Phần lớn các nạn nhân, vốn là những văn nhân tài hoa, đều phải cúi đầu, tự mình viết bài xỉ vả mình. Họ được ở lại Hà Nội và sau một thời gian lao động phần lớn được trở lại hành nghề. Cũng có những nhà văn, nhà thơ bỏ về rừng như Hữu Loan, Nguyên Hồng. Nhưng, cái giá mà họ và gia đình họ phải trả là vô cùng đau đớn.

Theo Nguyên Ngọc: “Sau một đêm, Nguyên Hồng vứt hết chức tước, tem phiếu, đưa gia đình về định cư ở vùng Yên Thế. Ông nói: - Tao không chơi được với chúng mày nữa”. Hữu Loan bỏ Hà Nội về quê Thanh Hoá. Từ đó, tác giả bài thơ Màu Tím Hoa Sim đi thồ đá, người vợ hiền của ông vừa cày hai sào ruộng vừa xay bột làm bánh. Ba người con trai lớn thì hàng ngày phải dậy từ ba giờ sáng, kéo ba chuyến xe cải tiến chở đá từ trên núi xuống hồ cách hai cây số bán rồi mới ăn vội bát cơm độn để chạy bộ bảy cây số đi học. Vì lý lịch cha mẹ mà một người con của Hữu Loan thi đạt điểm du học nước ngoài vẫn không được đi, những người con khác của ông cũng không ai được vào đại học.

Phùng Quán trong 30 năm treo bút, đã sống với biệt danh: “Cá trộm, rượu chịu, văn chui”, Tiến sĩ văn chương, luật khoa Nguyễn Mạnh Tường, triết gia Trần Đức Thảo, học giả Đào Duy Anh những nhà giáo bị “mất dạy”, sống đời cùng khổ, nhưng họ đã nêu tấm gương sáng chói cho hậu thế về sự nghiệp đấu tranh cho tự do dân chủ.

4) Ngăn chận tự do tư tưởng.

Ngày 9-12-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh về chế độ báo chí nhằm bảo đảm quyền tự do ngôn luận của nhân dân và ngăn cấm những kẻ lợi dụng báo chí làm hại đến công cuộc đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ của nước nhà. 

Thực chất đó là bức chắn, vững chải nhất để bảo vệ chế độ Cộng sản ở miền Bắc, nên từ đó trở về sau, không còn những tờ báo do tư nhân đứng tên làm chủ, báo chí tư nhân trở nên một từ xa lạ đối với người miền Bắc. Cũng từ đó, những nhà văn nhà báo muốn hành nghề phải đi học từ những trại sáng tác hay các trường lớp, nói đến việc học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, học tập chánh trị là chánh yếu, triết học Karl Marx (1818-1883) và của Vladimir Lenin (1870-1924), được tập trung gọi là Chủ nghĩa Mác-Lênin.
 
Chủ nghĩa Mác-Lênin là một học thuyết, một hệ thống lý luận và phương pháp luận chặt chẽ được cấu thành từ ba bộ phận: Triết học Mác-Lênin, kinh tế chính trị Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học.

- Triết học Mác-Lênin (bao gồm cả chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử) là khoa học chung nhất về tự nhiên, xã hội và tư duy. Nó đem lại cho con người thế giới quan khoa học và phương pháp luận đúng đắn để nhận thức và cải tạo thế giới.

- Kinh tế chính trị Mác-Lênin: Nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, vạch trần bản chất bóc lột giá trị thặng dư (m) của giai cấp tư sản với giai cấp công nhân và người lao động dưới chủ nghĩa tư bản. Giai cấp tư sản dùng mọi thủ đoạn để áp bức, bóc lột giai cấp công nhân và nhân dân lao động làm giàu cho chúng. Đây chính là nguồn gốc, nguyên nhân cơ bản dẫn tới cuộc đấu tranh giai cấp nhằm lật đổ chủ nghĩa tư bản, giải phóng giai cấp và giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đồng thời, chỉ ra những tiền đề và quy luật kinh tế chủ yếu để đưa tới chỗ diệt vong của chủ nghĩa tư bản.

- Chủ nghĩa xã hội khoa học: Nghiên cứu những quy luật chuyển biến từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội và phương hướng xây dựng xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Việc xã hội hoá lao động trong chủ nghĩa tư bản đã tạo tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa xã hội.

Giai cấp có sứ mệnh lịch sử thực hiện sự chuyển biến cách mạng đó là giai cấp công nhân, Lênin chỉ rõ: "Điểm chủ yếu trong học thuyết của Mác là ở chỗ nó làm sáng tỏ vai trò lịch sử thế giới của giai cấp vô sản, là người xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa". Bởi vì: "Tất cả các giai cấp khác đều suy tàn và tiêu vong cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, còn giai cấp vô sản lại là sản phẩm của bản thân nền đại công nghiệp".

Ngày nay, người ta đã thấy rõ một số sai lầm cơ bản trong chủ nghĩa Mác-Lênin, thực tiễn là các nước Cộng sản ở Âu Châu tan rã bắt đầu từ Ba Lan vào năm 1989, và tiếp tục ở Hungary, Đông Đức, Bungary, Tiệp Khắc và Romania. Romania là nước Đông Âu duy nhất lật đổ chế độ Cộng sản của mình bằng bạo lực. Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 đã không thành công trong việc kích thích sự thay đổi chính trị lớn ở Trung Quốc. 

Tuy nhiên, hình ảnh mạnh mẽ của các sự thách thức dũng cảm trong những cuộc biểu tình đó đã giúp gây ra các sự kiện ở những phần khác của thế giới. Trong số các cuộc cách mạng chống Cộng nổi tiếng nhất là sự sụp đổ của Bức tường Berlin, như là cửa ngõ tượng trưng để thống nhất nước Đức vào năm 1990.

Việc Liên Xô bị giải thể vào cuối năm 1991 dẫn đến kết quả là Nga và 14 quốc gia tuyên bố độc lập của khỏi Liên Xô: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Estonia, Georgia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Latvia, Lithuania, Moldova, Tajikistan, Turkmenistan, Ukraina và Uzbekistan. Cộng sản đã bị bỏ rơi tại Albania và Nam Tư từ năm 1990 đến 1992, chia thành năm nước kế tục: Slovenia, Croatia, Cộng hòa Macedonia, Bosnia và Herzegovina, và Cộng hòa Liên bang Nam Tư (gồm Serbia, Montenegro và Kosovo). Tác động này cũng được cảm thấy ở hàng chục quốc gia xã hội chủ nghĩa khác. Chế độ Cộng sản đã bị bỏ rơi ở các nước như Campuchia, Ethiopia, Mông Cổ và Nam Yemen. Sự sụp đổ của Cộng sản ngay tại chiếc nôi Cộng sản tại Liên Xô năm 1991 đã dẫn đến sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh.

5) Thực hiện Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa trên đất Bắc.

Sau khi tư trào Nhân Văn - Giai Phẩm được dập tắt, những người lãnh đạo Văn nghệ miền Bắc chủ trương thực hiện triệt để Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Người ta xác định cơ sở triết học của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là thế giới quan của chủ nghĩa Mác-Lênin. Trên cơ sở đó Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là miêu tả hiện thực và xây dựng một thế giới xã hội chủ nghĩa. Nói khác đi, cụ thể hơn Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa là miêu tả cái hiện thực phải là xã hội chủ nghĩa. 

Tưởng cũng nên nhắc lại lời Văn Cao đã nói với Trường Chinh, trước khi Tố Hữu ra tay đập nát bọn Nhân Văn – Giai Phẩm: "Nếu trong vườn hồng có sâu thì ta phải chịu khó mà bắt bằng tay, từng con một. Ðổ ụp cả đống thuốc trừ sâu vào đấy thì chết cả vườn hồng. Rồi anh sẽ thấy: qua đợt đánh phá này không biết bao giờ nền văn nghệ Việt Nam mới ngóc đầu dậy được!"

Tôi nhớ trong khi sưu tầm tài liệu để viết bộ sách này, có một nhà văn trong số những nhà văn ở Tập Bốn đã phát biểu một câu rất có ý nghĩa: “Nhà văn ca tụng một chế độ, khi chế độ ấy tàn, sự nghiệp văn chưong của nhà văn ấy cũng tiêu vong.”  

Văn Cao không phải là nhà tiên tri, nhưng ông tiên đoán được viễn cảnh của nền văn nghệ miền Bắc thứ văn nghệ có đảng tính do đảng lãnh đạo là thứ văn nghệ phục vụ chánh trị chẳng khác nào con ngựa kéo xe, đôi mắt bị che cứ phía trước mà chạy.

Từ sau tư trào Nhân Văn – Giai Phẩm cho đến 30-4-1975, người ta vẫn không thấy có nhà văn nào có được tác phẩm văn chương làm nên tên tuổi để lại mai sau, có thể người ta sáng tác vì miếng cơm manh áo, vì để bảo toàn sự an nguy cho cá nhân và gia đình, bởi cái gương của Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần…

Bóp nghẹt tự do tư tưởng, tự do sáng tác cũng là bóp nghẹt cách tân thơ, bóp nghẹt sáng tạo chủ nghĩa văn học trong khi những nhà thơ như Đặng Đình Hưng, Lê Đạt đang mang bầu nhiệt huyết cách tân thơ của họ, còn văn thì Phùng Cung, Phùng Quán bị biệt giam, cải tạo ở các nông trường.

Tưởng nên đọc lại một đoạn văn của Thiên Sơn trong bài Minh Giang - một đời văn tinh khiết, để chia sẻ mọi nổi đắng cay của một đời người, chọn nghiệp nghề văn:

Hồi đầu đổi mới, các nhà nhà văn một thời bị cấm đoán được tháo khoán, được khuyến khích viết. Một buổi tối, ông buồn buồn nói với tôi: “Khi còn trẻ, còn nhiều nhiệt huyết thì người ta làm cho lụi tàn mọi cảm xúc. Người ta đấu tố, đe nẹt, bóp nghẹt. Bây giờ người ta bảo viết thì đã già, cảm xúc không còn như trước nữa”. Thế rồi, ông đã mượn chuyện Kim – Kiều để kín đáo thể hiện tâm sự của mình:

“Cụ chọn Thúy kiều làm quốc sắc
Mười lăm năm ngọc nát vàng tan
Còn gì để tái hồi Kim Trọng
Mà nửa đêm lại hỏi ngón đàn?”

                           (Nhớ Nguyễn Du)

Thời gian sẽ đi qua, xóa tan mọi nổi oan khuất, đày đọa con người, nhưng lịch sử sẽ ghi lại trong Hai mươi năm Văn học miền Bắc có tư trào Nhân Văn – Giai Phẩm xảy ra một thời gian ngắn ngủi, nhưng kéo dài cho những con người đã tạo dựng nên nó và trong Văn học sử Việt Nam.

Wednesday, March 6, 2013

Những Đặc Điểm Của Văn Học Miền Nam 1954-1975



Có nhiều yếu tố tác động vào Văn Học Miền Nam trong giai đoạn 1954-1975, trong đó đương nhiên cuộc di cư năm 1954, hệ quả cuộc di cư này tất yếu đưa đến dòng văn chương chống Cộng sản và dung họp đặc điểm văn chương miền Bắc và miền Nam.

Triết học dạy ở các Trường Đại học, những quyển sách viết dịch về Triết, Văn học về tiểu thuyết đương đại của Đông, Tây phương có ảnh hưởng nhất định vào Văn học Miền Nam thời bấy giờ.

Xáo trộn chánh trị đẩy người ta có những chánh kiến, thể hiện qua hành động ảnh hưởng đến tác phẩm.

Chiến tranh khốc liệt làm cho người cầm bút có những trăn trở, suy tư họ bày tỏ lập trường của mình hoặc đứng về phía bên này hay bên kia để bênh vực cho chính nghĩa, cũng có người đứng trên hết để phê phán chiến tranh phi nghĩa, phi lý.

Những yếu tố trên làm cho Văn học Miền Nam có những đặc tính chính yếu sau.
1.- Đặc tính chống Cộng.

Hầu hết những nhà văn miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, đều là những người chống Cộng sản bởi vì họ đã có lòng yên nước nồng nàn, đem hết nhiệt tình tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp, họ đã sống dưới chế độ Cộng sản, họ đã hiểu Cộng sản như thế nào, họ đã tỉnh ngộ ra vì xương máu của đồng bào, của những người bạn cùng lý tưởng với họ đã bị lợi dụng, cho nên họ muốn dùng văn chương để chia sẻ kinh nghiệm cho những người khác đừng nhẹ dạ nghe theo tiếng kèn, giọng uyển của Cộng sản.

Những nhà văn này, có thể kể ra như Nguyễn Mạnh Côn, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Võ Phiến… Trong số đó, nhà văn Nguyễn Mạnh Côn và luật sư Trần Văn Tuyên đã chết trong lao tù Cộng sản, họ đã giữ được tiết tháo của nhà văn chống Cộng sản tới hơi thở cuối cùng, còn Luật sư Trần Thanh Hiệp trong nhóm Sáng Tạo vẫn còn phong độ mỗi năm vài lần bay từ Âu sang Mỹ để thuyết trình dự hội thảo đòi Nhân quyền, Dân chủ cho Việt Nam.

Nhưng do bản tính của người miền Nam chân thực, nên những buổi học tập “Tố Cộng” dưới thời Ngô Đình Diệm hay những truyện chống Cộng như Đem tâm tình viết lịch sử của Nguyễn Mạnh Côn, phim Chúng muốn sống của hảng phim Tân Việt không đủ sức thuyết phục, hoặc chưa được phổ biến rộng rải cho người ta tin đó là sự thật, mặc dù chỉ là sự thật có một nữa, trong khi người ta lại tin rằng đó chỉ là những thêu dệt quá đáng, bởi vì người miền Nam chưa từng thật sự sống dưới chế độ Cộng sản. Cho nên sau ngày 30-4-1975, người miền Nam truyền tai nhau câu hỏi : “Làm sao để chiến thắng Cộng sản” Câu trả lời được cho là của Thượng Tá Tám Hà, một Hồi chánh viên: “Hãy để cho người miền Nam sống với Cộng sản”. Chiến tranh đã tàn từ lâu, người miền Nam sống với Cộng sản gần bốn mươi năm, câu trả lời chưa được thực chứng.

2.- Ảnh hưởng triết học.

Miền Nam vào thời Đệ nhất Cộng hòa có 2 Viện Đại học công lập là Viện Đại học Sàigòn có từ thời Pháp và Viện Đại học Huế có từ năm 1957, một Viện Đại học tư thục Đà Lạt cũng có từ năm 1957 bắt đầu thu nhận sinh viên vào năm 1958. Cho đến thời Đệ Nhị Cộng hòa mới có Viện Đại học Vạn Hạnh năm 1964, Viện Đại học Cần Thơ năm 1966, Viện Đại học Hòa Hảo năm 1970, Viện Đại học Cao Đài năm 1971, Viện Đại học Minh Đức năm 1972, Đại học Cộng Đồng Duyên Hải (Nha Trang) và Đại học Cộng đồng Quảng Đà (Đà Nẵng) năm 1972.

Thời Đệ nhất Cộng hòa từ năm 1956 cho đến năm 1963. Đại học Sàigòn, Huế và Đà Lạt có những Linh mục hoặc giáo sư học ở các Đại học Âu châu về giảng dạy môn Triết Tây Phương như Linh mục Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Ngọc Lan, các giáo sư Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Trung, Lê Thành Trị … những vị này đã dạy Triết nhập môn, Kierkegaard, Nietzsche, Heidegger, Descartes, J. P. Sartre … Trong khi đó, Triết học Đông Phương có các giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Nguyễn Duy Cần, Thích Minh Châu, Thích Thiên Ân, Thích Mãn Giác giảng dạy về Triết học Trung Quốc và Triết học Ấn Độ.

Nhưng quan trọng hơn, những quyển sách Triết được in ra như quyển Ý thức mới trong văn nghệ và triết học của Phạm Công Thiện do nhà Lá Bối phát hành năm 1965, quyển Triết Học Hiện Sinh của giáo sư Trần Thái Đỉnh do Thời Mới phát hành năm 1968, quyển Hiện tượng luận về hiện sinh của giáo sư Lê Thành Trị do Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hoá xuất bản năm 1969, quyển Những vấn đề triết học hiện đại của giáo sư Lê Tôn Nghiêm do nhà xuất bản Ra Khơi phát hành năm 1972…

Có những bài đăng trong các báo, tạp chí như: Nguyên Sa viết: Nhận định đại cương về triết học hiện hữu đăng trên Sáng Tạo số 14, tháng 11/ 1957. Quang Minh với: Khái niệm về chủ nghĩa hiện sinh đăng trên Sáng Tạo số 28, 29, tháng 1 và 2/ 1959. Trần Văn Toàn với: Vị trí của trào lưu hiện sinh trong lịch sử triết lý đăng trên Đại Học số 18/1960. Thượng Tọa Thích Đức Nhuận với Vào đạo Phật qua lối ngõ của J.P. Sartre đăng trên Văn, số 10/1964 …
Và một số truyện dịch từ các tác giả hiện đại thời đó như J.P. Sartre với Guồng máy do Trần Phong Giao dịch, Nxb Thời Mới (1963)Không một nấm mồ do Trần Phong Giao dịch, Nxb Giao Điểm (1964). Những ruồi do Phùng Thăng dịch, Nxb Thanh Hiên (1967). Buồn nôn do Phùng Thăng dịch, Nxb An Tiêm (196. ). F. Sagan Một chút mặt trời trong giá lạnh do Kiều Diễm Hồng dịch, Nxb Vĩnh Sơn (1969). A. Camus với Người xa lạ do Võ Lang dịch, Nxb Thời Mới (1965).  Kẻ xa lạ  do Dương Kiền và Bùi Ngọc Dung dịch, Nxb Ngày Nay (1965). Kẻ xa lạ do Lê Thanh Hoàng Dân và Mai Vi Phúc dịch, Nxb Trẻ (1973). Ngộ nhận do Bùi Giáng dịch, Nxb An Tiêm (1972). Sa đọa do Trần Thiện Đạo dịch, Nxb Giao Điểm (1972)…Tập san Văn dành những số chuyên đề, viết về các nhà văn Pháp như tập san 2 ngày 15-1-1964, viết về A. Camus, tập san 17 ngày 1-9-1964 viết về J.P. Sartre; tập san 19 ngày 1-10-1964 viết về A. Maurois; tập san 20 ngày 15-10-1964) viết về A. Malraux...
Lịch sử Triết học Đông Phương 5 tập của Nguyễn Đăng Thục, Đại Cương Triết học Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê và Giản Chi do Cảo Thơm ấn hành 2 tập năm 1965, Triết học Đông Phương nhập môn của Thu Giang Nguyễn Duy Cần …
Những bài giảng ở Trường Đại học, những sách báo Triết thời đó đã ảnh hưởng vào tác phẩm, nhất là tác phẩm của các tác giả trẻ thời bấy giờ, người ta nói đến những tác giả nữ như Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, Túy Hồng, Nhã Ca đều chịu ảnh hưởng của Triết hiện sinh.
Có lẽ nên tìm hiểu Triết học hiện sinh là gì ? Triết hiện sinh có sau này, nó khác với dòng Triết học cổ truyền Tây Phương từ Platon (428-347TCN), Aristote (384-322TCN), René Descartes (1596-1650), Emmanuel Kant (1724-1804), Georg Wilohelm Friedrich Hegel (1770-1831), là những triết gia thuần túy tư biện và xa cách con người. Triết cổ truyền cho rằng bản chất có sẵn trong hiện sinh của mọi sự vật và quyết định sự vật, còn Triết hiện sinh theo Sartre khẳng định hiện sinh có trước bản chất.
Trước Sartre, Kierkegaard, Husserl (1859-1938), Heiddegger và Jaspers (1883-1969) đề cập đến hiện sinh đối lập với bản chất, từ đó Sartre tạo cho mình một hướng đi khác, khẳng định hiện sinh có trước bản chất.
Chủ nghĩa hiện sinh – Existentialisme – do triết gia Pháp Gabriel Marcel (1889-1973) khởi xướng vào giữa năm 1940, sau đó được Sartre sử dụng trong bài thuyết trình của ông vào ngày 29-11-1945 tại Paris, sau đó được xuất bản thành sách năm 1946 là L’existentialisme est un humanisme - Chủ nghĩ hiện sinh là chủ nghĩa nhân bản - từ đó, chủ nghĩa hiện sinh được mọi người dùng đến, nhưng thật ra nó bắt nguồn từ hai  triết gia Sosren Kierkegaard sinh ngày 5 tháng 5 năm 1813 và mất năm 1855 tại Copenhague Đan Mạch. Friedrich Nietzsche sinh ngày 15 tháng 10 năm 1844 tại Rokken, Saxe , mất tại Weimar 1900 ở Đức.
Triết của Kierkegaard bắt nguồn từ truyền thống Hy lạp (Socrate) và Thiên chúa giáo, hướng về Thượng đế. Ngược lại Triết của Nietzsche không theo truyền thống Hy Lạp, cho rằng Thượng đế đã chết để tiến tới con người siêu nhiên.
Chịu ảnh hưởng của Kierkegaard có Martin Buber (1878-1965), Gabriel Marcel, Karl Jaspers hiện sinh lấy Thượng đế làm trung tâm. Chịu ảnh hưởng của Nietzsche là J.P. Sartre, Albert Camus hiện sinh vô thần hay bất khả thuyết.
Albert Camus (1913-1960) đoạt giải Nobel văn chương năm 1957, Jean Paul Sartre (1905-1980) không nhận giải Nobel văn chương năm 1964, là hai triết gia lớn của Pháp vào thế kỷ 20, ngoài ra còn có Martin Heiddegger, Simon de Beauvoir, Franz Kafka, Fedor Mikhailovitch, Destoievski …
Triết hiện sinh của Sartre là hiện sinh hành động, Camus hiện sinh phi lý, Marcel hiện sinh Cơ đốc giáo, Merleau-Ponty (1908-1963) hiện sinh tương đối.
Phạm trù hiện sinh là hư vô, lo âu, buồn nôn, phi lý, tự do, tha nhân, nổi loạn, dấn thân.
Cho nên người ta thấy những nhà văn như Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa, Buì Giáng, Dương Nghiễm Mậu, Trần Thị NgH đào sâu nội tâm của các nhân vật trong tác phẩm mình, họ đã vượt ngoài khuôn sáo cũ tiểu thuyết thời tiền chiến, ảnh hưởng của tiểu thuyết Tây phương của Triết hiện sinh đương thời.
3.- Tiểu thuyết Trung Quốc
Miền Nam vào đầu thế kỷ 20 một thời kỳ dịch truyện Tàu rất ăn khách khi chữ Việt vừa mới được dùng một thời gian chẳng bao lâu, hầu hết người bình dân, trung lưu và cả giới điền chủ giàu có thời kỳ ấy cũng đều mù chữ, nhà cầm quyền Pháp phải bắt buộc mỗi làng phải cho người đi học, có những nơi, người ta phải mướn con nhà nghèo đi học, thay vì đi ở đợ chăn trâu, làm việc nhà, nghĩa là người biết chữ mỗi làng chỉ vài ba người, chỉ có ở tỉnh thành tập trung nhiều công sở, công chức mới thông chữ Pháp và quốc ngữ. Vậy mà truyện Tàu có nhiều dịch giả, có vài nhà xuất bản tại Sàigòn, phát hành sách đi khắp các tỉnh Nam Kỳ.
Đến thập niên (19)60 và (19)70, tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung và tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao lại một lần nữa
làm say mê độc giả miền Nam.
Kim Dung là nhà văn Trung Quốc, ông sinh năm 1924 tại tỉnh Triết Giang, thiếu thời ông học vài trường trong tỉnh nhà, Năm 1941, ông tốt nghiệp Cao trung rồi vào học Luật  quốc tế ở Học viện chánh trị trung ương tại Trùng Khánh. Ông học đến năm thứ ba, trường có cuộc bạo loạn chánh trị, ông bị đưổi học vì viết bài tố cáo một vụ bê bối trong trường, năm đó ông đã 19 tuổi.
Sau đó, ông xin làm cho một thư viện trung ương, tiếp xúc với sách vở ông đã nhen nhúm chuyện viết tiểu thuyết võ hiệp. Năm 1944, ông làm việc ở một Nông trường Tương Tây, nơi đây tịch mịch, hẻo lánh, ông xin thôi việc, trở về quê. Song thân biết ông bị đuổi học rất buồn, nên ông quyết chí ra đi lập nghiệp. Năm 1946, ông từ biệt gia đình đến Hàng Châu làm phóng viên cho Đông Nam nhật báo, sau đó ông sang Thượng Hải làm cho tờ Thời Dữ Triều rồi Đại Công báo.
Năm 1948, tờ Đại Công báo ra phụ bản ở Hồng Kông, ông được cử sang đó, trước khi đi, ông xin cầu hôn cưới con gái nhà họ Đỗ, vợ ông rất đẹp. Năm 1950, cuộc cải cách ruộng đất ở Hoa lục, cha mẹ ông bị ghép vào thành phần địa chủ từ đó ông mất liên lạc với cha mẹ, còn vợ ông không chịu nổi cảnh sống ở Hồng Kông nên trở về Thượng Hải, không chịu trở lại Hồng Kông nên họ ly dị năm 1950.
Năm 1952, ông rời Đại Công báo sang làm việc cho tờ Tân Văn báo, phụ trách mục “Chuyện trà buổi chiều” mục này được độc giả ưa chuộng, ông cũng thích thú phát huy tài năng của mình, ông cũng viết phê bình phim truyện. Năm 1953, ông rời Tân Văn báo để viết kịch bản phim Lan lan hoa, Tuyệt đại giai nhân, Tam tuyển… với bút danh Lam Hoan. Những kịch bản này đưa một số tài tử có tên tuổi như Hà Mộng, Thạch Tuệ, Trần Tứ Tứ …
Khi làm việc ở Tân Văn báo, Kim Dung quen thân với La Phù và Lương Vũ Sinh, đến năm 1955 hai người này khuyến khích, ủng hộ và giúp đỡ ông viết tiểu thuyết võ hiệp, quyển đầu tay ông viết là Thư kiếm ân cừu lục đăng hàng ngày trên Hương Cảng tân báo với bút danh Kim Dung. Hai chữ "Kim Dung" 金庸 là chiết tự từ chữ "Dung" , tên thật của ông, nghĩa là "cái chuông lớn". Thư kiếm ân cừu lục ra đời, tên Kim Dung được chú ý đến. Ông viết tiếp bộ Bích huyết kiếm được hoan nghênh nhiệt liệt, từ đó chuyên tâm vào viết tiểu thuyết võ hiệp và làm báo, không hoạt động điện ảnh nữa.
Năm 1959, cùng với Trầm Bảo Tân lập ra Minh Báo. Ông vừa viết tiểu thuyết, vừa viết các bài xã luận. Qua những bài xã luận của ông, Minh Báo càng ngày được biết đến và là một trong những tờ báo được đánh giá cao nhất, Minh Báo theo ông đến khi kết thúc sự nghiệp.
Năm 1972 sau khi viết cuốn tiểu thuyết cuối cùng, ông đă chính thức nghỉ hưu và dành những năm sau đó biên tập, chỉnh sửa các tác phẩm văn học của mình. Các tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyền hình. Năm 1980, ông tham gia giới chính trị Hồng Kông. Ông là thành viên của ủy ban phác thảo Đạo luật cơ bản Hồng Kông. Ông cũng là thành viên của Ủy ban chuẩn bị giám sát sự chuyển giao của Hồng Kông về chính phủ Trung Quốc.
Vào tháng 10 năm 1976, sau cái chết đột ngột của con trai trưởng của mình, Kim Dung đã quyết định tìm hiểu nhiều vào các triết lý của tôn giáo. Kết quả là ông quy y Phật giáo hai năm sau đó.
Năm 1993, ông thôi làm chức chủ bút, bán tất cả các cổ phần
trong Minh Báo.
Năm 2005, ông theo học tại Cambridge, Anh Quốc về ngành Sử để lấy Cao học và Tiến sĩ.
Năm 2006, ông xuất bản cuốn tản văn đầu tiên.
Kim Dung được người đời mến mộ nên tượng ông được đặt vài nơi như tại đảo Đào Hoa, Phổ Đà, Chu San, Chiết Giang.
Ngoài các tiểu thuyết võ hiệp, ông còn viết các truyện lịch sử Trung Quốc. Ông đã được trao tặng nhiều huân chương danh dự.
Kim Dung đã được trao tặng huân chương OBE của Vương Quốc Anh năm 1981, và Bắc đẩu bội tinh năm 1982, Commandeur de l'Ordre des Arts et des Lettres năm 2004 của chính phủ Pháp.
Ông cũng là giáo sư danh dự của nhiều trường đại học như Bắc Kinh, Triết Giang, Nam Khai, Hồng Kông, British Columbia được trao tặng văn bằng tiến sĩ danh dự của đại học Cambridge
Kim Dung sáng tác đến 14 tập truyện võ hiệp và 1 truyện ngắn Việt nữ kiếm. Trong đó những chuyện như Cô Gái Đồ Long, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Tiếu ngạo giang hồ nhiều người đọc say mê, theo dõi, đón đọc hàng ngày trên các nhật báo.
Trước đã có vài người dịch truyện của Kim Dung nhưng phải đợi đến khi Tiền Phong Từ Khánh Phụng dịch Cô Gái Đồ Long ra Ỷ Thiên Đồ Long ký đăng trên báo Đồng Nai năm 1961, danh tiếng Kim Dung mới lan tỏa ở miền Nam. Người dịch tài hoa nhất truyện của Kim Dung là Hàn Giang Nhạn với bộ Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký … Nhiều nhà văn tham gia bình luận truyện của Kim Dung như Bùi Giáng, Bửu Ý, đặc biệt Đỗ Long Vân viết một tiểu luận rất công phu, sâu sắc Vô Kỵ giữa chúng ta hay hiện tượng Kim Dung. Bùi Giáng viết về Đỗ Long Vân trong tập sách Thi Ca Tư Tưởng của ông, bàn về Vô Kỵ giữa chúng ta hay hiện tượng Kim Dung như sau:
Cuốn sách của ông bàn về Kim Dung nằm trong vùng tư tưởng thâm viễn như cuốn Nho Giáo của Trần Trọng Kim. Chẳng những giúp người Việt Nam hiểu tư tưởng lớn của thiên tài Trung Hoa, mà còn khiến người Trung Hoa, người Đông Phương, Tây Phương nói chung ngày sau sực tỉnh. Tầm quan trọng của cuốn sách kia quả thật rộng rãi không cùng.
Tôi có thể đưa ra vài nhận định khác của ông ở đôi chi tiết. Nhưng không cần. Điều cốt yếu, ông đã nói xong, và những dư vang vô số sẽ tỏa khắp mọi chốn. Và sẽ còn khiến người ta thể hội cái mạch thẳm trong những tác phẩm của những thiên tài xưa nay, bất luận là Đông Phương hay Tây Phương
Cô gái Đồ Long cũng được chuyển thể sang cải lương cùng tên với truyện. Những nhân vật trong truyện của Kim Dung, có người lấy làm bút danh, những Quách Tĩnh, Lệnh Hồ Xung … được nhiều người bàn luận ở nơi trà dư tửu hậu với những lời khen ngợi và thán phục tác giả.
Quỳnh Dao nữ tiểu thuyết gia Đài Loan, chuyên viết truyện tình cảm lãng mạn, được độc giả ở Miền Nam ưa chuộng.

Quỳnh Giao tên thật là Trần Cát, sinh ngày 20 tháng 4 năm 1938 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Quỳnh Dao còn có bút danh Tâm Như, Phượng Hoàng. Quỳnh Dao sinh ra trong gia đình cha là Trần Trí Bình giáo sư Đại Học Quốc lập Sư Phạm, còn mẹ là giáo sư Trung học dân lập Lô Nam.
Năm 1949, Quỳnh Giao theo cha mẹ đến Đài Loan, theo học ttiểu học tại Trường Sư Phạm Đài Bắc và Trung học Cao cấp Nữ sinh số 1 Đài Bắc. Sau khi tốt nghiệp Cao trung, Quỳnh Dao 2 lần thi rớt vào đại học, nên chọn nghiệp viết văn.
Năm 1954, Quỳnh Dao được 16 tuổi, viết truyện đầu tay Vân Ảnh, đến năm 1962, Quỳnh Dao viết nhiều truyện ngắn và 2 bộ tiểu thuyết Tầm mộng việnHạnh vân thảo, nhưng sang năm 1963 bộ tiểu thuyết Song ngoại sau khi phát hành mang lại tên tuổi Quỳnh Dao sáng chói, cho đến nay Quỳnh Dao viết gần 60 bộ tiểu thuyết, trong đó có 17 bộ được dựng thành phim truyện.
Năm 1959, Quỳnh Dao lập gia đình với Khánh Quân, họ có con trai, đến năm 1964 ly dị.
Năm 1966, tập Kỷ độ tịch duyên hồng chuyển thể thành phim trên màn ảnh rộng, đã đem lại cho nữ tài tử Chân Trân trở thành minh tinh sang chói, được nhiều người mến mộ.
Năm 1968, Quỳnh Dao thành lập công ty Hỏa Ô, để sản xuất phim chuyển thể từ các truyện của bà. Năm 1976, bà thành lập công ty điện ảnh Cựu Tinh. Năm 1986, công ty của bà sản xuất phim truyền hình.
Năm 1979, bà kết hôn với Bình Hâm Đào, ông từng là Tổng
biên tập của tạp chí Hoàng Quán.
Năm 1988, sau gần 40 năm bà trở về Trung Hoa lục địa để thăm lại cố hương, chuyến thăm viếng này gây cảm hứng bà sáng tác truyện Tuyết kha.
Các phim được chuyển thể từ tác phẩm của Quỳnh Dao: Mùa thu lá bay, Tình thâm thâm vũ mông mông, Thuyền, Nguyệt mãn tây lầu, Tinh Hà, Thủy Linh, Hoa lang, Bích Vân Thiên, Bạn gái, Thu ca, Tôi là một đám mây, Một hột đậu đỏ, Băng Nhi, Câu chuyện của tôi, Hòn vọng phu, Tân Nguyệt cách cách, Hoàn Châu cách cách, Cô dâu câm...
Tiểu thuyết tình cảm lãng mạn của Quỳnh Dao rất được các nữ độc giả Việt Nam ưa thích, vì văn bà nhẹ nhàng, chuyện đầy cảm xúc. Truyện Mùa thu lá bay cũng được chuyển thể thành tuồng cải lương.
Tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung và tiểu thuyết tình cảm của Quỳnh Dao được độc giả Việt Nam đón nhận nồng nhiệt cho chúng ta thấy, đó là một trở ngại cho sự phát triển Văn học miền Nam.
 4.- Sự xáo trộn chánh trị ở Miền Nam
Cuộc cách mạng ngày 1 tháng 11 năm 1963, nguyên nhân chính bùng nổ xảy ra do sự kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Thục ở Huế, hay do người Mỹ muốn lật đỗ Ngô Đình Diệm để đưa quân trực tiếp tham chiến ở Việt Nam, là tiền đồn của Thế giới Tự do đương đầu với sự bành trướng của Cộng sản quốc tế, theo thuyết Domino của Mỹ, Việt Nam Cộng Hòa sụp đỗ, Cộng sản sẽ nhuộm đỏ cả vùng Đông Nam Á.
Năm 1965, Mỹ đỗ quân đầu tiên vào Việt Nam ở Đà Nẵng, từ đó chiến sự càng ngày càng lan rộng.
Năm 1964, quân đội “Chỉnh lý” rồi “Biểu dương lực lượng”. Các chánh phủ Nguyễn Ngọc Thơ, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Lộc lần lượt thay nhau điều hành guồng máy quốc gia.
Những cuộc biểu tình năm 1963 của Phật giáo mở màng cho những cuộc biểu tình năm 1964 đòi hủy bỏ Hiến chương Vũng Tàu, đòi thành lập chánh phủ dân sự, ngày “ký giả đi ăn mày”… Các cuộc biểu tình đó, mặt khác cho thấy phần nào sự tự do ở miền Nam thời bấy giờ.
Trước năm 1963, báo chí miền Nam ít, vì khó xin được giấy phép, sau 1963, được tự do hơn nên có nhiều nhật báo nhưng báo vẫn chịu chế độ kiểm duyệt. Đến năm 1969, có sắc luật 019/69 ban hành ngày 30-12-1969, cho phép bất cứ người công dân nào cũng được phép ra báo, không bị kiểm duyệt, chỉ bị tịch thu khi có lệnh của tòa án. Do sự tự do ấy, nên có thêm nhiều nhật báo ra đời, có những bài hay tin không có lợi cho chánh phủ về chánh sách và đường lối chống Cộng sản, nên sắc luật 007/72 do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ban hành ngày 5-8-1972 bắt buộc mỗi tờ báo phải ký quỹ 20 triệu đồng, để mỗi lần vi phạm bị phạt, chánh phủ sẽ lấy ngay tiền ký quỹ và nhà báo phải đóng thêm vào cho đủ. Do đó mới có “Ngày ký giả đi ăn mày”, để phản đối sắc luật nói trên.
Các cuộc xáo trộn này đương thời được ghi lại trong văn, thơ, hồi ký như Đại Úy Đỗ Thọ viết Nhật ký Đỗ Thọ in năm 1964, Linh mục Cao Văn Luận (1908-1986) viết Bên giòng lịch sử in năm 1971.
Các sự xáo trộn chánh trị nêu trên, đã đẩy một số nhà văn chọn lựa chánh kiến như Lữ Phương, Trần Quang Long, Trần Triệu Luật …
5.- Chiến tranh dấu ấn sâu đậm nhất trong Văn học Miền Nam
Thời Đệ nhất Cộng Hòa từ năm 1955 đến năm 1963 là một thời kỳ thanh bình, cũng có thể nói là thịnh trị, nhưng từ sau vụ tranh đấu Phật giáo năm 1963, rồi “Biến động miền Trung”, “Tết Mậu Thân”, “Mùa hè đỏ lửa”, Mỹ viện trợ khí tài để trang bị cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Năm 1965, Mỹ đỗ bộ vào Việt Nam ở Đà Nẵng, sau đó Quân đội Nam Hàn, Phi Luật Tân, Úc, Thái Lan đưa quân vào miền Nam tham chiến. Quân đội nhân dân (miền Bắc) cũng đưa quân vào miền Nam xâm chiến, có Liên Xô và Trung Quốc yểm trợ vũ khí, phương tiện chiến tranh.
Lợi dụng lòng yêu nước và nhẹ dạ của người dân, miền Bắc tuyên truyền “Đế quốc Mỹ xâm lược”, dựng nên Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam ngày 20-12-1960, Chánh Phủ Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam ngày 8-6-1969, chỉ là bình phong để miền Bắc đánh lừa nhân dân miền Nam và dư luận quốc tế, nhằm mục đích thực hiện chiến tranh xâm lược miền Nam và bành trướng chủ nghĩa Cộng sản khắp thế giới. Người ta gọi đây là chiến tranh “Ý thức hệ”.
Chiến tranh càng ngày càng leo thang, những trận đánh ác liệt đã xảy ra, ở miền núi cũng như đồng bằng, từ ở thôn quê cho đến thành thị, chẳng những chiến binh tử trận mà người dân vô tội ở dưới hai lằn đạn cũng bị chết tức tưởi, oan ức.
Lãnh đạo hai miền Bắc Nam đều muốn giành phần thắng, miền Bắc thắng để nhuộm đỏ cả Việt Nam, miền Nam thắng để nhân dân miền Nam được thanh bình, hưởng tự do trong ấm no hạnh phúc.
Những tác phẩm sống động của các nhà văn miền Nam, họ ghi theo cảm xúc, thực tế, oan nghiệt, tàn bạo, vô tình trong những tác phẩm Giải khăn sô cho Huế của Nhã Ca phát hành năm 1969, xin đọc trích đoạn sau đây:
Tôi nằm im nghe máu thấm trong từng mạch nhỏ. Mắt tôi đã hết hoa, tay chân tôi đã hết run rẩy. Tôi bớt sợ rốc kết hơn, nhưng đồng thời tôi cũng hiểu rằng mọi thứ chết súng đạn, hay chết đói khát đều kinh khủng như nhau. Mà gạo trong nhà, mấy anh giải phóng đã mượn khuân đi hết. Tình trạng này kéo dài thêm vài tuần nữa chắc là chúng tôi chết đói hết. Má tôi than thầm với một bà bạn:
"Thời buổi như ri mà ôn Minh còn vác về mấy cậu sinh viên. Có đàn ông trong nhà phiền ghê lắm."
Chắc má tôi lại lo sợ cho tôi. Mọi khi, tôi giận má tôi ghê lắm nếu nghe má tôi phàn nàn như thế, nhưng lúc này, tôi thấy bà nói hợp lý. Oanh thì thầm:
"Ôn đem mấy anh nớ về để đi băng bó cứu thương."
Tôi càu nhàu:
"Họ bắt giết hết cho coi."
Oanh tin tưởng:
"Ôn có giấy của mặt trận để đi đường mà. Còn ôn thì khỏi sợ đi."
Ðúng lúc đó, có tiếng đập cửa. Không biết ai đập cửa mà tim mọi người như ngừng đập. Tiếng rốc kết bên ngoài vẫn ròn rã như mưa. Tiếng đạn từ dưới đất bắn lên vẫn rào rào. Phía này chóc chóc, phía kia tạch tạch. Ðủ các cỡ súng chĩa lên trời. Tiếng đập cửa càng gấp rút hơn, rồi có tiếng la nữa, nhưng chúng tôi không thể nào nhận ra tiếng của ai. Oanh nhấp nhỏm:
"Hay ôn Minh về."
"Suỵt đừng noái. Kệ ai thì ai. Im hết đi, trời ơi."
Tiếng đập cửa vẫn liên tục, rồi có tiếng dộng cửa thình thịch. Trúc cương quyết:
"Ôn Minh về rồi đó, chắc chắn mà."
Không nói thêm một tiếng, nó tuôn chạy ra khỏi hầm. Má tôi níu theo mà không kịp. Bà chỉ biết kêu trời kêu đất. Tiếng mở cửa rồi tiếng chân hai ba người kéo vào, rồi tiếng Trúc kêu rú lên. Tôi hốt hoảng chụp vai má tôi:
"Chết rồi."
Má tôi vùng chạy ra khỏi hầm quên hết mọi nguy hiểm. Nhưng cùng lúc đó, tôi nghe tiếng ôn Minh:
"Mau đem thuốc, đem băng ra đây."
Tiếng Trúc:
"Mần chi còn băng. Kêu mấy anh y khoa hỉ?"
"Mau lên."
Nhiều người nữa đi ra khỏi hầm. Tôi cũng tò mò ngóc đầu lên miệng hầm để nhìn. Trong ánh sáng lờ mờ hắt từ ngoài bầu trời thảm đạm vào, tôi nhìn thấy hai người đàn ông máu me bê bết. Một người mắt còn mở lờ đờ, một người mắt khép như đã chết rồi, anh ta để lộ một mảnh đầu trắng hếu như lòi não.
Tôi hỏi Trúc:
"Ai đó?"
Trúc lắc đầu. Mặt nó tái xanh. Nhưng rồi nó cũng phụ với mọi người băng bó cho hai kẻ bị thương. Máu chảy đọng vũng giữa nhà. Trúc vừa che mặt vừa xé cái áo cánh trắng để làm băng. Ngoài đường, ngoài vườn lại có nhiều tiếng hét lớn. Chắc lại có kẻ bị thương rồi.
Ôn Minh ngoắc tôi lên:
"Lên đây, mắc đánh nhau, họ không vô bắt mô mi sợ."
Tôi lên đứng cạnh hai người đàn ông bị thương. Tiếng rốc kết đã thưa dần, nhưng máy bay vẫn còn lượn thêm nhiều vòng ở trên trời. Tiếng đạn dưới đất bắn lên cũng thưa thớt hơn. Rồi một toán hàng xóm xông vô nhà, họ kêu khóc như ri:
"Nhà tui cháy rồi bà con ơi."
"Thằng con tui chết không mang đi được."
"Ôn Minh ơi, sang đem thằng con nhỏ của tôi qua với. Nó bị kẹt giữa đống gạch rồi."
Ðám đông kêu khóc như ri. Má tôi lại hỏi thăm tin tức bên ngoài. Ôn Minh giao hai người bị thương cho chúng tôi rồi băng ra ngoài cửa. Tôi chỉ kịp kêu một tiếng:
"Ôn..."
Một loạt súng nổ ròn ngay đầu cổng. Thôi rồi, chắc ôn Minh đã bị thương. Oanh đẩy cửa: Ôn ơi, ôn ơi. Nó chạy ra nhưng má tôi đã ngăn kịp. Tiếng ôn Minh nạt nộ ai ở đầu ngõ. Oanh vừa quay vào thì có tiếng đẩy cửa. Người lính giải phóng trẻ tuổi gác trước cổng nhà đi vào. Hắn ôm một cánh tay. Má tôi vội đẩy tôi xuống hầm trước khi hắn nhìn ra kịp.
"Răng rứa, ôn."
"Cháu bị thương. Mẹ giải phóng cho cháu xin chút băng băng lại."
Oanh nhanh nhẩu:
"Hết băng. Mấy hôm ni áo xé băng còn không đủ."
"Coi giùm còn chút thuốc nào không."
Oanh cay chua:
"Vậy các đồng chí cứu thương mô rồi. Các cô nữ cán bộ cứu thương mô rồi. Mấy ngày ni tụi tui chờ họ tới để xin thuốc mà chẳng thấy họ mô hết."
Tôi không nhìn mặt anh giải phóng, nhưng biết hắn đang xúc động hoặc đau đớn lắm vì giọng hắn run run:
"Tôi bị nhẹ, có kẻ bị nặng hơn tôi."
Vừa lúc đó tôi nghe giọng ôn Minh. Ôn bế vào một đứa bé thì phải, tôi nghe giọng trẻ con khóc.
"Con Oanh, con Trúc, lấy áo ra mần băng mau lên."
Tiếng chân Oanh chạy đi. Tiếng ôn Minh nói:
"Ủa, đồng chí cũng bị thương hả? Vô đây chi vậy?"
"Xin ông một chút thuốc, xin miếng vải băng lại."
"Nặng hay nhẹ?"
"Nhẹ thôi mà."
"Khỏi, lấy vôi mà bôi vô cũng sát trùng rồi. Mần chi có thuốc, còn chút thuốc để cứu người khẩn cấp. Bình vôi nơi góc nhà a tề."
Vẫn giọng ôn Minh:
"Nơi góc nhà có đồng chí của anh đó. Tôi đã băng bó xong, anh coi sáng yên thì đem họ về bộ chỉ huy để chăm sóc. Coi khó sống đó."
Thì ra hai người ôn Minh vừa vác về, có một người là Việt cộng. Ôn Minh không phân biệt gì hết, ông chỉ cứu người bị thương. Tôi nghe giọng anh lính trẻ cố thản nhiên nhưng che giấu nhiều cảm động:
"Cám ơn cụ. Bác và Đảng sẽ nhớ ơn cụ."
"Tao hả? Tao không cần Đảng, không cần Bác. Tao chỉ biết hắn là người, hắn đau thì tao cứu. Mả cha nó bắn nhau, giết nhau, chỉ có dân khổ."
Anh lính giải phóng e dè:
"Trong khu nầy có nhiều loại cán bộ, cụ không nên ra ngoài nhiều, lỡ họ hiểu lầm thì phiền lắm."
"Tao hả? Tao người quốc tế mà. Ông Hồ cũng phải nể tao, ông tổng thống Mỹ cũng nể tao, vì tao có chính nghĩa."
Ôn vẫn tiếp tục cười gằn. Tôi không nghe tên lính giải phóng nói thêm gì hết.
Trong Mùa Hè Đỏ Lửa của nhà văn Phan Nhật Nam, do Sáng Tạo phát hành năm 1972:
Chương 6
Đốt Charlie
Liệu nói nhỏ, thì thầm sát tai Mễ: Tim ông nó mệt rồi, đừng “gonfler” quá, ông chết luôn, hết người chỉ huy.

Lính sư đoàn Điện Biên thổi kèn xung phong dưới yểm trợ của cối và sơn pháo. Quân ta sau mỗi đợt pháo, đứng khỏi giao thông hào... Vào nữa...vào nữa đi con...Có đứa nào già không mầy? Tao chỉ thấy toàn con nít, đánh tay không tao cũng có thể bóp cổ tụi nó được!! Trước mắt lính nhảy dù, một lớp, hai lớp, những “đứa trẻ” cứ tuần tự đi tới... Những lớp trẻ con chơi trò đánh nhau. Chơi trò chơi ác độc do ép buộc, tuyệt vọng và vô nghĩa lý.

... Không nương tay với nó... Napalm Hải!!

- Có ngay!!

Hai chiếc skyraider xuống thấp như chưa bao giờ thấp hơn, dưới đất thấy được chiếc mũ trắng của anh pilot; hình như anh muốn nhìn quân bạn, anh muốn chào thăm hỏi như sau mỗi lần thả “líp” dù chót, phi cơ thường hạ thấp cách mặt đất khoảng vài mươi thước để “chào bãi”. Ở đây cũng thế, hai chiếc máy bay rà sát xuống coi như gần đụng ngọn cây. Thả bom với cao độ như thế nầy chắc chắn không chệch một thước, bom nổ cháy xém đến tuyến phòng thủ của quân bạn, đám lính Bắc lăn lộn trong bãi lửa, chạy dạt ra xa... Nhưng ô kìa, hai chiếc skyraider không lên được nữa... Lòng can đảm và tình đồng đội đã giết các anh. Các anh đã xuống quá thấp để ném bom thật chính xác, để bung địch ra cho bạn. Các anh đã quên thân mình... Hai cánh đại bàng chúi xuống. Chúi xuống nữa và bốc cháy... Vĩnh biệt các anh! Đám cháy kết thúc trận đánh. thây người cháy đen nằm chật sườn đồi.

...chúng nó đánh, chết như thế để làm gì nhỉ!? Một ngày của hai mươi bốn giờ trên thép đỏ và máu nóng đi qua. Trời tối dần. Đêm xuống... Người lính dựa lưng vào giao thông hào liếm môiâ. Môi anh nóng như miếng vỏ cây bi nung khô... từ sáng đến giờ chưa được uống nước. Anh không còn sức để nghĩ thêm sau chữ “nước”.

Ngày 14 tháng Tư tiếp theo. Tính đến hai giờ chiều, C2 nhận hơn 2000 đạn “delay” và nổ chụp. toàn bộ tiểu đoàn 11 co mình trong giao thông hào dưới cơn mưa pháo không dứt đoạn.

... Nó nổ xa mình. Hải thều thào,

- Ừ phía Tây, ngoài tuyến mình. Liệu tiếp lời, gật đầu đồng ý với Hải. Nhưng thật ra cả hai đều tự dối, pháo không rơi một điểm, một tuyến, pháo chụp toàn thể C2. Pháo tan nát. Pháo mênh mông. Tất cả những lời nói chỉ là cách tự đánh lừa, trấn tỉnh đồng đội và cũng chính mình.

- Hôm nay 14? Liệu hỏi bâng quơ, gợi chuyện trong tiếng nổ ầm ỉ sắc buốt. Mễ Hải không trả lời, đưa mắt dò hỏi. Còn lời nào trong cơn mưa lũ của sắt thép vang độâng nầy ?!

- Hôm nay mười bốn, mai mười lăm, ngày đầy tháng con tôi...

Bốn con mắt lại mở ra. Mễ và Hải không hiểu ý Liệu. Không hể hiểu nổi... Vì Liệu đang nghĩ: Không lẽ ngày đầy tháng con bố lại chết?! “ Chết”, chữ nhỏ ngắn nầy làm tê liệt hết phản ứng. Chết đến từ tiếng “bục” âm âm nơi xa, sâu trong rặng Big Mama... xong nổ “oành” đâu đây... Hình như ngay trên đỉnh đầu, trong lòng nón sắc đang vang động u u. Giữa khoảng cách kinh khiếp nầy chữ “chết“ hiện ra sáng rực như một giải quang báo, tiếp nổ bùng với toàn hể sức công phá. Tiếp tục... tiếp tục... Bốn cây 130 ly nơi xa nã đạn xuống Charlie nhịp nhàng từng ngắt khoảng ngắn.

Năm giờ chiều, trận mưa đại pháo chấm dứt để cối và sơn pháo 75 ly điểm giọt, bắn thẳng vào căn cứ.

- Xong rồi, tụi nó “chơi’ mình lại. Mễ đứng khỏi giao thông hào. Đêm nay là quyết định, mình và nó last fighting... Mễ báo cáo với bộ chỉ huy lữ đoàn,

- Bây giờ tụi nó hết “in coming (pháo kích)”, và bắt đầu “ground attack”. Không phải Mễ sính dùng tiếng Mỹ, bởi thông thường, những danh từ kia phải được nguỵ hoá, nhưng bây giờ tìm đâu ra thì giờ để dò tìm từng từ trong bảng “Ám danh đàm thoại”.

- Nó đánh anh chưa? Viên lữ đoàn trưởng ở căn cứ Võ Định vào máy liên lạc trực tiếp với Mễ.

- Bắc đầu ở hướng cũ, tây và tây-nam, heavy attack,

Tất cả đứng khỏi hầm, đạn súng colt lên nòng, bác sĩ Liệu lúi húi tìm mấy trái lựu đạn... Tôi hết đồ nghề bác sĩ rồi, chơi “đồ chơi” mới vậy, lần sau đi hành quân, tôi mang một khẩu đại liên 60!! Không ai còn sức hưởng ứng câu đùa của Liệu. Mễ nhăn mặt đau đớn, ngày hôm qua bị một quả pétard (thủ pháo, một loại lựu đạn biến chế) nổ quá gần, sức nổ ép cứng xương sườn vào vách hầm, để lại những vết máu bầm lấm chấm...

Trời tối dần, hơi núi đùn lên cao, đậm đặc thêm vì khói súng. Bắc quân đã chiếm được một phần giao thông hào, tuyến phòng thủ của đại đội 114...Trình Mê Linh, nó lấy của của tôi một “khúc ruột”. Cho, đại đội trưởng 114 báo cáo với Mễ,

- Hải, nói với lữ đoàn nó vào tuyến mình rồi,

- Tao...tao mệt... nói không nổi, Liệu giúp hộ...

Bác sĩ Liệu, to người, béo mập, đang khom lưng lẫy súng colt lạch cạch như trong phim cao-bồi, chớp ống liên hợp máy truyền tin,

... Dễ thôi, để tôi... Tụi nó cắm được một phần vỏ lạc của tôi... Liệu ề à với giọng tỉnh táo đùa cợt,

- Ông phải la lên mới được, đùa thế, ngoài ấy tưởng mình giỡn,

- Giỡn làm sao, không đùa như thế, chẳng nhẻ lại khóc lóc mếu máo sao... Ê... chạy đi đâu!! Liệu quay nòng súng colt về phía một anh lính đang nháo nhát chạy vào khu giao thông hào trung tâm,

- Đi ra, ông bác sĩ không bắn mầy thì tao bắn cho mầy biết chết như thế nào? Mễ hét lớn với người lính... “biết chết như thế nào?!”. Mễ cũng buồn cười vì lời nói của mình... Chết rồi, thì biết chó thế nào nữa?! Ầm! Một trái bộc-pha nổ thật gần, bắn Mễ ngã ngữa người xuống. Mễ lồm cồm bò dậy, sờ lưng,

...bác sĩ, chắc tao bị thương nặng!! Mễ thều thào.

Liệu xoa tay lên lưng Mễ, thân áo rách lỗ chổ...Đếch có gì cả, mảnh nhỏ như bụi, vì ông yếu sức nên ngất thế thôi, đây là hậu quả những cú đấm của thằng Hennessy, Couvoisier trước kia!!

...C... giờ nầy mà mầy còn trêu được!

- Stupid! Why you fire forty-five? Anh vố vấn trưởng, thiếu tá Duffy hét vào tai Liệu,

- I have only this... Mẹ mày, giờ nầy còn why với what....What cái cần câu ông ấy,

Một đợt, hai đợt... năm đợt, Bắc quân tràn vào, bị đẩy ra, lại tiếp tục tràn vào, chiếm được một đoạn giao thông hào, xong lấn dần từng đoạn,

- Không xong rồi, nó nhiều “tiền” quá! Hải lẩm bẫm.

Mễ nhìn Liệu, Hải, cố vấn trưởng Duffy. Tôi muốn ở lại! Mễ chắc giọng.

-Nó vào chỗ thằng 4 (đại đội 4), đang qua chỗ thằng 2, mình hết đạn... Dọt, tôi đề nghị. Hải khôn ngoan, dứt khoát.

- Phải, mình “ra” đi, ở đây chịu không nổi, tụi nó đông gấp mấy mình. Liệu tiếp theo. Chữ “ra” ráo hoảnh trống không.

Mễ im lặng, gở nón sắc ra khỏi đầu,

...No hesitation, the best way... Sir? Duffy, Thiếu Tá Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ, người quấn băng loang lổ máu khô, anh đã bị thương ba nơi trên thân, nhưng quyết ở lại với tiểu đoàn. Viên cố vấn, hiểu được phút giây nghiêm trọng đối với Mễ; lần đầu tiên anh gọi người cùng cấp bậc, một thiếu tá người Việt với danh xưng kính trọng, “sir”.

- Đồng ý, cho thằng 2 dẫn đầu, xong đến đại đội chỉ huy và thằng 4 bao chót. Hải, gọi máy qua thằng 3, bảo nó “nhổ neo” ra điểm hẹn nầy. Mễ chỉ một vùng tập trung ở hướng đông-bắc trên bản đồ. Bảo nó đi ngay, mang theo thương binh.

Lần đầu tiên trong đời tác chiến Mễ phải “chạy”, Mậu Thân, 1968, ở Huế, với đại đội chỉ còn ba mươi người, dẫu trùng trùng nguy khốn, Mễ vẫn điều quân phản công chiếm lại cổng thành Thượng Tứ. Nhưng, lần nầy, viễn ảnh toàn bộ tiểu đoàn bị tràn ngập, Mễ không còn cách nào khác hơn.

- Hướng đông-bắc, 800 ly giác, thằng 3 sẽ ra đó với mình. Hải chuyển lệnh cho Hùng “móm”, thành phần xung kích còn lại cuối cùng của đơn vị.

...OK, em nghe, em làm được cái một. Hùng “móm” vẫn ranh mảnh như không có chuyện quan trọng đang xẩy ra.

Đi xuống hoài, vực sâu hun hút, trời tối thẫm và cây rừng đan lưới. Chỉ tiếng lá khẽ động dưới bước chân cùng những thanh âm rên rỉ gầm ghìm trong cổ họng.Đoàn quân lẫn vào bóng đêm như muốn tan thành vật vô hình. Sau lưng họ trên đồi cao, C2 bốc lửa ngọn. Bom đã thả xuống khi người lính cuối cùng đại đội 1 ra khỏi vòng vây. Thương binh nặng và xác “anh Năm”, chuỗi cảnh tượng chập chờn chồng lên trí óc Mễ. Mệt, cảm giác rõ rệt nhất, ba ngày và đêm không ăn, ngủ, chỉ nhấp chút nước lã cầm hơi và cuối cùng, cuộc rút quân trong đêm... Đi nữa đi Hùng, đúng hướng rồi, cứ tiếp tục, phía mặt trời đó, bao giờ đến chỗ trống thì báo tôi. Nhớ liên lạc với thằng 3 ở phía trái, thấy mặt trời thì bảo. Mễ thì thào chuyển lệnh cho Hùng, đại đội trưởng đại đội 1.

Mặt trời chưa thấy, đêm còn dầy. Dầy từng khối lớn mông mênh và đặc cứng. Hình như đã đến đáy một “tan-véc”(khe nhỏ chạy giữa hai chân núi), chân bước lên lớp đất ẩm. Nước! Người lính đặt tay xuống “mặt nước”. Không có, chỉ một lớp lá ẩm mục và đất bùn, khe suối mùa, chưa có nước. Nhưng bàn tay có chút ẩm, người lính lè lưỡi liếm miếng nước vô hình đó .

Qua khỏi “tan-véc”, lên đỉnh đồi, thấy lại sau lưng ngọn lửa ở C2 bập bùng. Bạn bè ta còn đó, sống làm sao được hở trời ?Mễ kiệt lực hỏi,

- Hải, khi chót mình để “anh Năm” ở đâu ?

- Ở giao thông hào, nơi hầm đại liên.

Mễ và Hải chỉ nói với nhau được câu ngắn trong đêm. Nguy biến và rình rập vẫn còn rất nhiều. Sao trời chưa sáng nhỉ ?Hùng, gắng đi mau hơn nữa, càng xa tụi nó càng tốt, giữ được súng và thương binh nhẹ như thế này cũng tạm coi như là “đẹp”. Đẹp, hình như Mễ cười chế riễu mình trong bóng tối. Thôi, đừng nghĩ gì nữa, cởi nón sắt cầm tay, bốn ngày đội hoài khối sắt trên đầu, khi cởi ra còn nguyên ảo giác của âm vang tiếng nổ lộng trong lòng chiếc nón kim khí. Mệt quá! Sống rồi! Hùng “móm” kêu một tiếng sảng khoái, bốc máy báo cáo cho Mễ, nhanh như chớp:

- Tôi thấy “nó” rồi phía tay trái tôi.

Mễ nhìn lên tàng cây, trời tím nhạt chưa có ráng nắng, nhưng ngày đã bắt đầu, trãng trống vùng tập trung đã gần đến. Thoát rồi chăng? Mễ tự tin nhưng cũng rất đầy kinh nghiệm: Nó phục mình ở đây nữa thì tan hàng!! Ý nghĩ kinh khiếp như một mũi dao cực bén cắm ngay đỉnh đầu.Mễ không dám nghĩ tiếp...

- Kêu thằng “Đỗ Phủ” đến tao Hải,

- Duffy come here... Viên thiếu tá cố vấn đang đi sau Hải và Liệu nghe kêu, mỉm cười bước lại. Ba lần bị thương, bốn ngày chiến đấu không ăn, ngủ, Duffy vẫn “cứng” như một khối thép, đầu đội mũ đi rừng, khẩu M18 đặt ngang hông, tự tin và bình thản như một ý chí không lay chuyển. Tiên sư thằng cha này “dur” cả hồn lẫn xác, number one! Liệu nói với Hải khi Duffy qua mặt để lên gặp Mễ. Anh chàng hiểu ý, mỉm cười: Hello Doc!!Trong phút chốc sự việc khủng khiếp của bốn ngày căng cứng như vụt tan đi. Nắng cũng vừa đến, nắng đầu tiên của ngày, lòng người lính duỗi ra theo độ ấm của vệt ánh sáng. Sống được rồi mừng biết bao nhiêu!

- Đây nhé Duffy, vùng tập trung của mình, 113 bên trái, phe ta bên phải cùng “move” lên. Mình làm một cái LZ (bãi đáp), xong “mày” gọi “Tây” đem máy bay tới móc mình ra, OK ?

- OK Do !! “Đỗ Phủ” gật đầu lia lịa... Good...very good, you’re the best commander! “Đỗ Phủ” đưa ngón cái lên ca tụng Mễ.

- Tao hay hơn nhiều, cú này bị “kẹt”, mày khen làm tao ngượng. Duffy không biết Mễ nói gì, cười rộng mồm, Mễ cười theo.

Rất cẩn thận, Mễ cho Hùng “móm” và Hùng “mập” cùng lên trãng trước. Hai cậu Hùng “bắt tay” nhau, làm thành vòng phòng thủ, phần còn lại của tiểu đoàn với đám thương binh “bò” lên tiếp... Xong rồi, khá an toàn, giữ được cái trãng là tốt, có đường thoát rồi.Duffy,có tàu bay chưa ?

- OK! Ten minutes, sir!

Nhưng không còn “ten minutes” nào cho Tiểu Đoàn 11 nữa! Một trận mưa rào, mưa đầu mùa...
Mưa bởi một rừng cối và sơn pháo từ những cao độ phía đông “tưới” xuống. Bắc quân tấn công bộ từ đông-nam lên. Không hầm hố, không đạn, mệt mỏi, đói khát của bốn ngày đã đến đỉnh cao nhất chịu đựng. Tiểu đoàn 11 Nhẩy Dù lăn lộn, cựa quậy hấp hối trên trãng cỏ tranh trơ trụi dưới lưới chụp đan dầy bởi lửa, khói và mảnh đạn thép... Hàng sống, chống chết! Hàng sống, chống chết! Bắc quân ào ào như nước lũ tràn đi qua con đê bị vỡ. Tiểu đoàn 11 tựa tình cảnh con báo kiệt lực bị vây khốn bởi một rừng ong cực độc! Bây giờ là 8 giờ sáng của ngày 15-4-1972, Tiểu Đoàn Nhẩy Dù mới tinh của Anh Năm, tiểu đoàn đã khoan thủng bức tường thép của cộng quân ở Damber; tiểu đoàn “nướng sống” hai tiểu đoàn của sư đoàn Điện Biên trên cứ điểm C- Thua. Thua đau đớn và thua vô lý!! Đâu còn có thế để dựa vào. Đâu còn lực để đương cự ?!

Muốn đánh nhau phải có “thế” và “lực”.Thế đã mất ngay từ ngày đầu tiên khi bước xuống cao điểm với một nhiệm vụ “phòng thủ” quá mỏng manh thụ động, và lực nào còn nổi sau bốn ngày hay 156 giờ tác chiến căng thẳng trên các cao điểm nguy biến và thiếu thốn toàn diện. Hình như mọi người đều không ăn, uống kể từ ngày 12.Uống, nếu có chỉ là chữ gọi động tác “nhúng” chiếc lưỡi vào nắp bi đông ẩm ướt. Tan hàng!! Những người sống sót còn lại tan biến vào rừng cỏ tranh.

6.- Các nhà văn nữ

Những nhà nghiên cứu, phê bình văn học cho rằng các nhà văn nữ dạn dĩ viết về tính dục, đó là một phần, phần khác Triết hiện sinh là viết về mình, vượt qua những rào cản thông tục, cho nên họ nói về họ, cũng là sự chịu ảnh hưởng của triết hiện sinh. Còn việc bước qua tường rào luân lý thì Chu Tử đã làm từ năm 1963 trong tác phẩm Yêu, nên sau đó năm 1966, Nguyễn Thị Hoàng viết về Vòng tay học trò cũng không phải là người đầu tiên vượt qua giới hạn.

Trong tiệm ăn, Thư hỏi han săn sóc bạn thật ân cần dịu nhẹ đến nỗi Trâm tưởng như Thư đoán biết những gì trong lòng mình và tìm cách an ủi cho khuây nguôi. Bảy giờ tối, Thư đưa Trâm về nhà. Con đường vắng lạnh. Những cánh cửa im lìm đóng kín, tiếng chìa khóa lách cách trong ổ. Thang lầu gỗ đen tối mịt mù. Đèn bật sáng lên những dấu vết tan hoang. Vỏ trái cây vứt bừa bãi từ bàn ăn xuống sàn nhà. Chiều thứ ba nếu rỗi em đến, Minh bảo thế trước khi ra về. Trâm vuốt nhè nhẹ miệng ly Minh uống và nàng hỏi thầm “ly ơi, môi đâu rồi, môi đâu rồi ly ơi”.

Chủ nhật, thứ hai, thứ ba. Thứ ba sáng rồi chiều. Trâm đếm thời khắc như thuộc lòng thời khóa biểu của mỗi lớp. Nhưng Minh không đến và Trâm muốn đi tìm không gian u tối lạnh lẽo của rạp hát cho quên mình trong suốt buổi chiều. Nàng xuống xe ở Vĩnh Chấn định mua Chocolat vào rạp hát gặm một mình, bỗng có tiếng gọi bên kia đường:

- Cô! Cô! Cô!

Không về thăm, để thời gian nghênh ngang ngoài phố. Trâm nghĩ và làm mặt lạnh chờ Minh đang “phấn khởi” băng ngang qua đường.

- Cô đi đâu thế?

Trâm ngổ và bướng “thành thật”:

- Đảo quanh vài vòng, lâu không đi lượn phố, mai một cả tài năng. Còn Minh chắc đang chạy áp phe.
- Cô giận. Tự nhiên em thấy lo sợ thế nào và không dám đến cô.

Mắt nhìn buồn và dáng điệu mệt mỏi của Minh làm Trâm dịu xuống.

- Minh có chuyện gì đấy.

- Không. Buồn và lang bang. Cô đi đâu.

- Vào Ngọc-Lan, phim hay.

- Cô cho em đi với nhé.

Một điều giản dị và tuyệt diệu như thế mà từ lâu Trâm không nghĩ đến.

- Sao lại không. Tôi đi lấy vé. Minh mua hộ kẹo, nhanh lên, trễ rồi.

Hai người ngồi vào một lô ghế trong góc trên cùng. Rạp hát tối đặc lạnh ngắt, chỉ khoảng mười người khách rải rác.

Phim bắt đầu, hình ảnh trên màn bạc và trong trí Trâm chập chờn ráp nối vào nhau. Les chemins de la haute villẹ Khuôn mặt khoắc khoải tuyệt vọng của Simone Signoret từ khung cửa lầu cao nghiêng xuống. Ly rượu trên tay và điếu thuốc trên môi. Trâm chỉ nhìn thấy thế. Chỉ nhớ có thế. Rồi hết. Khắp nơi trong bóng tối lờ mờ tội lỗi của căn phòng lạnh lẽo mênh mông, khuôn mặt Minh chập chờn hiện lên gần và xa, và gần mãi lại trước hai mắt nàng thảng thốt mở lớn. Mùi kẹo thơm và chua gần gũi. Đầu Minh nghiêng xuống vai Trâm. Cánh tay nàng như một con trăng lớn quấn chặt trên lưng ghế Minh cho tiếng nói chỉ còn là hơi thở:

- Em biết từ ngày em đi, tôi như thế nào không. Hôm thấy tôi trên trường sao Minh quay mặt đi?

- Bọn họ săn và truy kinh khủng, em phải tránh cô.

- Chỉ vì thế thôi phải không.

Minh cúi đầu vào vai nàng:

- Ừ. Cô không tin gì em.

Trâm cười trong màu tối mê hoặc của không gian đồng lõa.

-Nếu tin Minh, tôi sung sướng. Vì vậy tôi vẫn có tin, cố tin cho đến ngày… Thôi không thèm nói đến ngày mai. Minh này.

- Sao cô.

- Không, không có gì cả. Tôi cảm thấy sung sướng. Lẫn một chút đau đớn và sợ hãi.
Rồi Trâm ngồi im. Với đầu Minh êm ái trong cánh taỵ Với những cảm giác nao nức buồn vui bằng lòng và ray rứt lẫn lộn với những ảnh trước mắt như mờ mịt sau một lớp sương dày trắng xóa. Cho đến hết phim.

Ra đến ngoài, trời còn sáng, Trâm bỗng nghĩ đến nhà hàng vắng hôm đến ăn với Thư:

- Mấy hôm rồi mình không ăn với nhau. Đi tìm chỗ ăn nhé.

- Thiên hạ…

- Coi như không có thiên hạ. Đà-Lạt của mình.

Một đoạn truyện ngắn đầu tay của nhà văn Trùng Dương Mưa không ướt đất:
Vào cái lúc người con gái chờ đợi nhất để sẵn sàng buông thả vào trong cơn sốt rạo rực của cơ thể, Duẩn bỗng ngừng lại, im lặng, đăm chiêu. Hơi thở anh bớt dồn dập hơn trong một cố gắng tự kìm hãm. Duẩn mím môi, thở một cách khó khăn như người bị nghẹt mũi. Khoảng cách còn lại thật dễ dàng để vượt qua. Duẩn ngừng lại, ngơ ngẩn, chợt nghe buồn bã. Anh khẽ buông tiếng thở dài, gục đầu xuống vai người con gái, mắt nhắm lại. Rất lâu, trong bóng tối, anh nghe tiếng người con gái cất lên, rụt rè:
- Sao thế?
Có một cái gì như hờn tủi và cũng thật ráo hoảnh trong giọng nói. “Tôi cũng không hiểu sao tôi lại ngừng lại. Tôi tự thấy mình không có quyền tiến xa hơn.” Duẩn đáp và cũng nghe giọng mình thật ráo hoảnh:
- Tại... không muốn...
Duẩn bỏ lửng câu nói, một sự im lặng rơi xuống giữa hai người. Duẩn mơ hồ thấy mình khổ sở, day dứt: Trong phút giây tôi muốn được gọi Thư là “em” và xưng “anh” với em, Thư ạ. Em im lặng, có thể em đang hờn giận. Nhưng anh không muốn anh sẽ ân hận bởi anh bắt đầu cảm thấy yêu em. Ðiều đó có vẻ khôi hài. Nhưng điều đó làm anh xúc động. Cũng như anh vẫn khôi hài trong cuộc sinh hoạt của anh đồng thời cảm thấy một xúc động sâu xa. Hình như trong khi mình giễu cợt là mình ý thức rõ hơn cả về cái thân phận của mình giữa cuộc sống ồ ạt xô bồ này, giữa cuộc sống mà cá nhân chẳng nghĩa lý gì và người ta bị cưỡng bức phải làm những việc mà mình không muốn. Và anh, anh muốn không làm cái việc mà anh rất đang tha thiết. Ðể mọi sự còn nguyên vẹn. Vả lại, cái giọt máu mà em đang mang trong người với anh đã là một cái gì, một con người mà anh tự thấy mình không được quyền xúc phạm. Cho anh được quý trọng. Ðó là điều duy nhất anh muốn giữ lại, một cách tự nhiên, không cố gắng, như một thứ báu vật.
Thư trở mình, vuột khỏi tay anh, xoay lưng lại phía Duẩn. Duẩn cảm thấy có một sự vùng vằng. Lẽ ra anh phải kéo em lại, ôm chặt lấy em, vuốt ve và nếu cần giải thích. Nhưng anh sợ chính anh rồi sẽ không giữ nổi bởi thằng người phá phách trong anh đang trổi dậy, đòi hỏi. Duẩn nằm yên lặng nhìn khoảng da thịt trắng hiện ra mờ mờ dưới mắt thành một vệt chảy dài bất động. Một nỗi nghẹn ngào chận ngang cổ. Tự nhiên anh thấy thèm vô cùng được gục vào chỗ trũng nơi chiếc gáy trắng mờ mờ kia, và nếu có thể, để khóc lặng lẽ...
*
Thư mở mắt. Phải một lúc nàng mới định thần và nhớ ra mình đang nằm ở đâu. Bên cạnh gã con trai đã thiếp ngủ, lưng trần lớn quay lại phía nàng trong một dáng nằm rút cong như con tôm, hơi thở đều đều của một người say ngủ. Thư nghe cổ họng mình khô ran. Thư cảm thấy muốn ra sau vô cùng. Nhưng nàng nằm nán lại, ngần ngại khi nghĩ đến lối đi chật chội, lỗ mỗ và tối mò của xưởng dệt. Trong yên lặng có tiếng vó ngựa gõ lóc cóc và tiếng xe thổ mộ lăn uể oải qua trước nhà. Có lẽ vào khoảng bốn năm giờ sáng gì đó. Thư cảm thấy rã rời và nghe cô đơn kỳ lạ. Hình ảnh những đêm thao thức bên người đàn ông thiếp ngủ một cách thoả mãn đến trong trí nhớ. Tại sao không bao giờ mình thấy thoả mãn cả? Luôn luôn là một khoảng trống sau đó với những dày vò không nguyên do không đối tượng. Và với một biến đổi một mình mình biết một mình mình hay. Tôi bỗng cảm thấy tất cả cái cô đơn mênh mông của một Grégoire khi hóa thân thành con bọ để rồi chết khô trong sự cô đơn và bị ruồng bỏ. Tôi đã khủng khiếp khi đọc đến đoạn Grégoire tuyệt vọng nhìn xuống sự thay đổi của thân thể mình. Có lẽ tôi tuyệt vọng và bàng hoàng, nhưng tôi còn cảm thấy một-cách-không-thể-tự-kiềm-chế-được một sự rung động kỳ lạ...
Tôi đang hóa thân để trở thành một người mẹ, một người đàn bà thực sự. Có lẽ tôi đang tìm về tôi, cái TÔI thực sự...? Thư khóc lúc nào không hay.
7.- Đất văn vật:
Sông Hương, núi Ngự đất Thần kinh non nước hữu tình, nơi đó có những nhà văn nhà thơ hữu danh là việc đương nhiên có, nhưng đặc biệt trong hai mươi năm Văn Học Miền Nam vùng đất Quảng Nam sản sinh ra nhiều nhà thơ, trong đó có thi sĩ Bùi Giáng nổi tiếng hơn hết, sau đó có những nhà thơ rất trẻ.
Trong khi đó miền Nam có nhà thơ Kiên Giang, Sa Giang đặc biệt những nhà văn Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vương Hồng Sển đi sâu vào nhân bản, mỗi người khảo cứu thêm một lãnh vực, Bình Nguyên Lộc với ngôn ngữ, Sơn Nam với Văn minh miệt vườn, Vương Hồng Sển với Thú chơi cổ ngoạn.
Các nhà văn miền Bắc di cư vào Nam, họ viết về chánh trị hoặc triết lý nhân sinh.
8. Tổng kết:
Đó là những nét đại cương của Văn Học Miền Nam từ năm 1954 cho đến năm 1975, dĩ nhiên còn những đặc tính khác, tùy mỗi người có thể tìm thấy theo quan điểm cá biệt.
Có một điểm quan trọng và trên hết là Văn Học Miền Nam trong thời kỳ này hoàn toàn tự do, nhà văn có quyền viết theo cảm nghĩ của mình, theo những triết thuyết hiện hữu, trừ cộng sản chủ nghĩa là thuyết mà chánh quyền miền Nam “đặt ra ngoài vòng pháp luật”.
Nhờ có Tự do sáng tác đó, Văn học Miền Nam đã phát triển tốt đẹp cả về phẩm cũng như lượng, qua đó người miền Nam được tiếp cận triết thuyết, các trào lưu văn học hiện đại, một món ăn tinh thần không thể thiếu để con người được thăng hoa, hướng thượng, góp phần vào việc xây dựng một xã hội lành mạnh, hài hòa.